Lời nói dối giúp đứa trẻ có “một cuộc đời lành mạnh”

Tôi vừa sưu tầm trên mạng một bài viết có tít: “Lời nói dối ngọt ngào – Câu chuyện ý nghĩa và nhân văn” của tác giả Thảo Nguyễn. Địa điểm xảy ra trên một con phố ở một thị trấn nhỏ của nước Anh. Câu chuyện thật sự có ý nghĩa, bổ ích cho những nhà báo, nhất là những nhà báo chuyên viết lĩnh vực bạo hành trong xã hội với đối tượng là những người yếu thế và trẻ nhỏ.

Câu chuyện có nội dung: Ở một thị trấn nhỏ của nước Anh đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng, tên cướp không cướp được tiền và đang bị cảnh sát bao vây chặt bên ngoài. Hắn ta bắt một em bé 5 tuổi dẫn ra phố và yêu cầu cảnh sát phải chuẩn bị cho mình một khoản tiền lớn cùng một chiếc ô - tô, nếu không hắn sẽ nổ súng giếᴛ con tin. Khi thấy tên cướp có ý định giết con tin, lực lượng mai phục được lệnh nổ súng, tên cướp chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi ngã lăn xuống đất. Cậu bé bị bắt làm con tin nghe thấy tiếng súng, nhìn thấy vết máu cho nên sợ hãi khóc thất thanh. Người cảnh sát gần nhất đã chạy đến ôm cậu bé vào lòng.

Phóng viên chứng kiến sự kiện lao đến quay phim, chụp ảnh. Đúng lúc đó, người cảnh sát vừa ôm cậu bé vừa hô to: "Tốt lắm, cuộc diễn tập đến đây là kết thúc!”. Cậu bé nghe xong liền ngừng khóc và hỏi mẹ có phải đúng như thế không. Mẹ cậu bé kìm nén nước mắt và gật đầu. Một người cảnh sát khác đi đến bên cậu bé, an ủi: "Cháu diễn tốt lắm, cháu xứng đáng được khen thưởng”. Hiểu được ý nghĩa "cuộc diễn tập” đó, những ngày sau, giới truyền thông đều "im lặng”, không báo nào thông tin về vụ cướp nói trên bởi họ đều hiểu rằng, đó là cách tốt nhất để bảo vệ tâm hồn non nớt của cậu bé bị bắt làm con tin!

Nhiều năm sau, có một người đàn ông trung niên đến tìm gặp và hỏi người cảnh sát  năm xưa đã ôm mình vào lòng và hô to: "Tốt lắm, cuộc diễn tập đến đây là kết thúc!”

- Người đàn ông đó hỏi người cảnh sát: "Tại sao trong lúc ấy, ông lại hô lên như vậy ạ?”.

- Người cảnh sát cười và trả lời: Khi tiếng súng vang lên, tên cướp ngã lăn xuống đất, tôi nghĩ rất có thể cháu sẽ bị ám ảnh cả đời vì chuyện đáng sợ như thế này, vì thế tôi thốt lên câu: "Tốt lắm, cuộc diễn tập đến đây là kết thúc!”. Lúc này, người đàn ông trung niên bật khóc và ôm chầm lấy người cảnh sát già: "Con chính là đứa trẻ năm xưa đây ạ, con đã bị nói dối suốt 30 năm qua, mãi cho tới gần đây, mẹ của con mới nói rõ sự thật cho con biết. Con cảm ơn bác, cảm ơn bác đã cho con một cuộc đời lành mạnh!”.

Câu chuyện là bài học nghiệp vụ đầy tính nhân văn cho những người viết báo. Nhiều năm trở lại đây, theo nhận định của các chuyên gia truyền thông, có nhiều bài báo viết về trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục… dù dấu tên nhưng vì mục đích tạo ra tin giật gân, câu view hay không hiểu luật cho nên đưa thông tin chi tiết về họ hàng, gia đình, địa chỉ, trường học của người bị bạo hành, xâm hại, phạm pháp. Hoặc có nhiều cơ quan truyền thông đại chúng đưa ảnh nạn nhân nhưng lại không làm mờ mặt, thậm chí công khai tên tuổi nạn nhân… Điều này làm tổn hại đời sống tinh thần và tương lai các em đó. Nhiều trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, do bị báo chí khai thác đời tư kỹ càng đã không thể sống được ở địa phương, cả gia đình em phải bỏ đi địa phương khác sinh sống. Như vậy, nếu không cẩn trọng, thì chính báo chí đã vi phạm quyền trẻ em ngay khi đang tìm cách bảo vệ trẻ em.

Ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em có hiệu lực. Luật Trẻ em quy định rất rõ, các bậc phụ huynh và các phương tiện truyền thông đại chúng muốn chia sẻ ảnh, thông tin trẻ em trên mạng thì phải đồng thời có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ. Nếu trẻ em từ 7 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của đối tượng trẻ em đó. Luật Trẻ em cũng quy định phải bảo mật thông tin đối với trẻ em, trừ trường hợp mục đích bảo vệ trẻ em.

 

Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã xây dựng bộ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp khi viết về trẻ em. Bộ nguyên tắc nghề nghiệp này như một công cụ hỗ trợ các nhà báo trong quá trình tác nghiệp về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Bộ nguyên tắc giúp báo chí đưa tin về trẻ em một cách khách quan và nhạy cảm. Những nguyên tắc này bảo đảm các nhà báo phục vụ lợi ích tốt nhất của cộng đồng trong khi không xâm phạm hoặc hạ thấp các quyền của trẻ em. Những nguyên tắc đó là: phải thật sự tôn trọng các em nhỏ; khi phỏng vấn phải chú ý đến quyền riêng tư của trẻ; không đăng tải một câu chuyện hoặc hình ảnh có thể đưa trẻ, anh em hoặc bạn bè của trẻ vào tình huống khó khăn hoặc nguy hiểm ngay cả khi những yếu tố nhận dạng được thay đổi, giấu đi hoặc không được sử dụng.

Đặc biệt phải luôn xác định, đưa thông tin nào cần cho trẻ và có lợi cho trẻ, chứ không được đưa thống tin chỉ nhằm mục đích bán báo… Ngoài ra, viết về trẻ em cần sinh động, cụ thể, dễ hiểu và hấp dẫn, đây là những yêu cầu cơ bản để các bài báo về trẻ em được đánh giá là đúng tiêu chuẩn. Phóng viên viết về chủ đề trẻ em cần có lòng yêu nghề và yêu trẻ, lòng yêu nghề sẽ giúp phóng viên tích cực học tập không ngừng để nâng cao kỹ năng viết bài, lòng yêu trẻ sẽ giúp phóng viên đứng về phía đứa trẻ để hiểu chúng và viết hay hơn. Viết về trẻ em thành phố khác viết về trẻ em nông thôn, viết về trẻ em bị buôn bán khác với viết về trẻ em bị bạo hành hoặc viết về việc trẻ em phạm pháp khác viết về trẻ em bị xâm hại tình dục, tuỳ vào từng đối tượng trẻ em trong các bài viết để phóng viên tự mình đặt câu hỏi, có nên dùng những từ ngữ miêu tả chi tiết quá hay không?

Viết về trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, hay phạm pháp, cần lắm ở người phóng viên một tấm lòng để các em sau này lớn lên có một tương lai tốt đẹp.

Hà Hồng

Khach | Dang nhap