Đơn vị nào thu gom rác của người bệnh F0 tại hộ gia đình?

 

 

Những ngày cuối năm 2021, đi trên đường phố Hà Nội chúng ta nhìn thấy trước một số ngôi nhà có chăng dây và biển báo “Khu vực cách ly”. Trong đó có người nhiễm Covid – 19 (người bệnh F0) điều trị tại hộ gia đình. Đây là giải pháp thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID - 19”. Tuy vậy, đứng về mặt bảo vệ môi trường, một vấn đề đặt ra là chưa có quy định cụ thể đơn vị nào thu gom và quy trình thu gom rác của người bệnh F0 từ hộ gia đình đến điểm tập kết rác?

Trước vấn đề thời sự nói trên, liên quan công việc và sức khoẻ của công nhân thu gom xử lý rác trên cả nước, ngày 8/12/2021, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức Toạ đàm với chủ đề "Thực trạng và giải pháp thu gom, xử lý rác thải của người bệnh F0 điều trị tại nhà”. Tham dự toạ đàm có lãnh đạo Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ quản lý và một số cơ quan báo chí trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các công ty thu gom, vận chuyển, xử lý rác tại các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải phòng, Huế, Cần Thơ. 8 tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại toạ đàm nêu lên thực trạng việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của người bệnh F0 điều trị tại nhà; những khó khăn, vướng mắc của các địa phương; một số kiến nghị để thực hiện tốt công tác nói trên.

 

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Viện trưởng Viện Sức khoẻ Quang Trung, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế - Bộ Y tế cho biết:  Ngày 28/8 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4156/QĐ - BYT (Quyết định số 4156/QĐ – BYT) về việc ban hành tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID – 19 tại nhà. Trong tài liệu hướng dẫn, mục 9 thu gom , xử lý chất thải đúng cách, phần Những hành động cụ thể có ghi: Đặt thùng rác có nắp kín và mở bằng chân, có lót túi ni - lông bên trong phòng ở của người nhiễm; thu gom xử lý chất hằng ngày hoặc khi thùng rác đầy; đeo găng tay khi xử lý chất thải; rửa tay sau khi xử lý chất thải. Và tất nhiên rác thải của người bệnh F0 phải để ở trong nhà để có người mang đi. Trong quyết định này cũng không nêu ai là người bỏ tiền ra mua túi ni –lông cũng như vật dụng khác liên quan thu gom và chứa rác của F0 tại hộ gia đình, cũng như trả tiền thu gom rác từ hộ gia đình đến nơi tập trung rác (người bệnh F0 hay tiền ngân sách của địa phương)

 

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chi Minh (Citenco), Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho biết: Lực lượng thu gom rác thải của người bệnh F0 (rác thải y tế nguy hại) có nhiệm vụ thu gom tại các điểm tập trung (y tế phường, quận huyện) rồi mang đi xử lý. Nhiều địa phương giao việc thu gom rác từ hộ gia đình của người bệnh F0 đến điểm tập kết rác cho tổ Covid – 19 cộng đồng thự hiện, nhưng tại Thành phố Hồ Chí Minh công việc này giao cho Citenco thực hiện. Đây là khó khăn lớn, bởi công ty phải huy động nhiều công nhân toả về khu dân cư đến các hộ gia đình  có người bệnh F0 cách ly, thành phố có nhiều hẻm, nhỏ, phải dùng phương tiện thô sơ, khối lượng rác thu gom không nhiều nhưng là loại rác thải y tế nguy hại cho nên phải để trong thùng kín. Chưa có kết quả nghiên cứu về mức độ lây lan vi – rút trong rác thải của người bệnh F0 chưa tiêm hai mũi vắc -xin với người bệnh F0 đã tiêm đủ hai mũi vắc – xin có khác nhau không từ đó đưa ra các yêu cầu phòng tránh cụ thể cho người đi thu gom.  Cơ chế giá cho dịnh vụ thu gom thấp và chưa có quy định kỹ thuật cụ thể cho việc thu gom này.  Thực tế hiện nay cho thấy lượng người bệnh F0 điều trị tại hộ gia đình ngày càng tăng trong khi đó nhiều tỉnh và thành phố còn lúng túng trong việc ban hành cơ chế, chính sách thu gom rác tại hộ gia đình mang đến điểm tập kết phù hợp với điều kiện của địa phương.

 

Lãnh đạo công ty môi trường nhiều tỉnh, thành phố kiến nghị các cơ quan chức năng cần ban hành các văn bản quy định quy trình thu gom rác thải F0 tại hộ gia đình, khung giá thu gom: cần quy định rõ người bệnh F0 điều trị tại hộ gia đình phải chịu chi phí mua túi li – lông, thùng rác để đựng rác thải của mình;  cấp thẻ xanh cho lực lượng đi thu gom rác tiếp cận các căn hộ có người bệnh F0; có sự tham gia của đại diện công ty vào thành phần tổ Covid – 19 cộng đồng ở phường, quận;  công nhân thu gom rác F0 tại hộ gia đình nên được coi là một trong những thành phần tham gia tuyến đầu phòng chống dịch Covid – 19 (được cấp quần áo, khẩu trang, thiết bị bảo vệ). Lãnh đạo nhiều công ty môi trường nêu trường hợp nếu lượng rác người bệnh F0 tại hộ gia đình thu về quá lớn vượt quá năng lực xử lý (hấp, đốt) như rác thải y tế thì có chôn lấp được không, nếu được chôn lấp thì các quy định về kỹ thuật như thế nào, đơn vị nào ban hành?

Một loạt câu hỏi, kiến nghị của các công ty môi trường ở địa phương nêu ra đang chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng.

Hà Hồng      

 

Khach | Dang nhap