Hà Nội lại vội

Mọi người thường nói với nhau: “Hà Nội không vội được đâu”, bởi thường bị “hành” các thủ tục giấy tờ khi đến phường, quận xin phép sửa nhà, xây nhà, tách nhập hộ khẩu, làm sổ đỏ... Và bây giờ nhiều người lại nói với nhau: “Hà Nội lại vội” mỗi khi chính quyền các cấp của thành phố chuẩn bị các bước để ban hành hay ban hành một quy định hành chính, quản lý đô thị nào đó.

Sở dĩ có câu nói "Hà Nội lại vội” bởi nhiều quy định dự định ban hành hay mới ban hành đều được dư luận đánh giá không có tính khả thi do chưa được nghiên cứu thấu đáo, thường vội vàng gây bức xúc trong xã hội như việc quy định xe ô - tô biển số chẵn được đỗ ngày chẵn, biển số lẻ được đỗ ngày lẻ; việc quy định đối tượng được cấp giấy đi đường thay đổi liên tục trong đợt dịch Covid – 19 lần thứ tư, và gần đây nhất là Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" (Đề án) do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra. Theo Đề án, thành phố sẽ lập 87 trạm thu phí phương tiện cơ giới đường bộ (ô - tô) vào nội đô tại các cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí khoảng 2.646 tỷ đồng. Hình thức đầu tư do ngân sách thành phố và đối tác công tư PPP.

Ảnh sưu tầm

Đa số mọi người ủng hộ mục tiêu của đề án thu phí ô - tô vào nội đô: nhằm giảm lưu lượng xe ô - tô đi vào nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong phạm vi thu phí. Với lộ trình thực hiện, dự kiến HĐND Thành phố Hà Nội thông qua Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí. Từ năm 2022 - 2023, Hà Nội sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí. Năm 2024, trình HĐND Thành phố Hà Nội ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND Thành phố Hà Nội quyết định trong năm 2024.

Mặc dù có lộ trình như vậy nhưng nhà quản lý, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân nêu nhiều câu hỏi liên quan tính khả thi của Đề án. Tại sao Đề án này lại đưa ra trong thời điểm này khi mà người dân và doanh nghiệp đang gặp muôn vàn khó khăn khi vừa "bước” ra khỏi đợt dịch Covid – 19 lần thứ tư? Một Đề án liên quan  nhiều người nhưng người dân không được tham gia, bàn bạc? Khi triển khai việc thu phí này, ô nhiễm không khí trong khu vực thu phí giảm được bao nhiêu %? Tình trạng tắc đường, ùn ứ giảm bao nhiêu % khi mà giao thông của Hà Nội vẫn đang yếu kém, "đường không thông, cầu không thoáng", mặt đường nhỏ hẹp, quỹ đất giao thông còn thấp so với nhu cầu thực tế; giao thông công cộng chưa phát triển, không đáp ứng được yêu cầu; các tuyến đường vành đai 1, 2, 3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh, tuyến vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư, các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Hiện nay, có từ 70  đến 80% số người dân phải dùng các phương tiện cá nhân để di chuyển còn các phương tiện công cộng mới chỉ chiếm khoảng 10% và không đáp ứng được yêu cầu, chưa thật sự thuận tiện với người dân. Nếu chúng ta hạn chế phương tiện cá nhân thì người dân đi bằng gì? Giao thông công cộng của Thủ đô hiện đáp ứng đến đâu? Xe buýt có đúng giờ không? Trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu thì việc đề xuất lập 87 trạm thu phí vào nội đô là "vội vàng, thiếu hợp lý, thiếu tính khả thi”.


(Ảnh sưu tầm)

Tiền thu phí dùng vào việc gì? Việc thu phí xe ô - tô vào nội đô chỉ được thực hiện, khi Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các đơn vị  có liên quan xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan làm căn cứ pháp lý để thực hiện như: Nghị quyết HĐND (xác định loại phí; phạm vi thu phí; mức thu phí; chính sách miễn giảm cho các đối tượng phải thu phí); kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và HĐND, UBND thành phố, quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ". Lộ trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan đến bao giờ xong, nếu "tắc” thì Đề án có triển khai tiếp không?

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã vội vàng đưa ra Đề án đó gần như có tính áp đặt, thiếu hẳn một chiến dịch truyền thông tới cộng đồng, trả lời những câu hỏi, những vấn đề liên quan Đề án nói trên để mọi người được biết. Các kết quả điều tra xã hội học, nghiên cứu khoa học về tác động tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như khó khăn người dân gặp phải trong khi triển khai Đề án cũng cần phải giới thiệu, trao đổi với những người thuộc đối tượng thực hiện Đề án. Nhìn chung Đề án thiếu các thông tin thuyết phục để người dân đồng lòng ủng hộ. Do vậy mới có sự phản ứng không đồng tình của nhiều tầng lớp nhân dân đối với Đề án nói trên.

Tại Văn bản số 3863 do ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành chiều 11/11/2021, nêu rõ: "Việc xem xét, phê duyệt Đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện". Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội sẽ chưa trình HĐND thành phố Đề án này tại kỳ họp cuối năm 2021.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lại vội rồi!

Hà Hồng

Khach | Dang nhap