Cần có vách ngăn tuyến tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông

Tuyến tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông đã đi vào hoạt động. Người Hà Nội háo hức đi thử. Ga đẹp, tàu chạy êm, thái độ phục vụ tận tình. Tuy vậy điều chúng tôi lo lắng là làm sao bảo đảm an toàn cho hành khách mỗi khi tàu vào và rời ga.

Sáng chủ nhật, 7/11/2021 tôi lần đầu đi tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, tức là ngày thứ hai trong số 15 ngày đầu tiên đi tàu miễn phí. Tại ga Cát Linh hàng trăm người đứng xếp hàng tại tầng một để lên nhà ga trên tầng hai. Vui thì có vui nhưng cũng lo dịch Covid -19 vẫn đang hiện hữu, số người mắc F0 đã lên đến 133 ca (ngày 6/11/20210). Mọi người đến đây đều đeo khẩu trang nhưng đứng quá gần nhau và số lượng tập trung chờ tàu lớn.

 

Mỗi người được phát một thẻ 0 đồng có thể đi hai chiều. Để lên nhà ga trên tầng hai mọi người phải quẹt thẻ cửa mới mở. Thao tác này hệt như khi chúng ta đi tàu điện ngầm ở nước ngoài. Mọi người xếp hàng chờ đến lượt đều trong tâm trạng háo hức, bõ công chờ đợi trong nhiều năm. Nhà ga mới đưa vào hoạt động cho nên sạch đẹp, nhân viên phục vụ tận tình chu đáo. Khách đến đủ mọi tầng lớp từ người già đến trẻ nhỏ. Khi tàu đến mọi người vẫy tay, reo hò vui vẻ. Tiếng tàu chạy êm, không có tiếng rít ma sát của bánh xe và đường ray.

 

 

Một nhân viên của nhà ga cho chúng tôi biết: Giai đoạn 1 (6 tháng đầu, trong đó có 15 ngày đầu chở khách miễn phí): thời gian mở tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông từ 5h30, thời gian đóng tuyến 22h; vận hành từ 4 đến 6 đoàn tàu với giãn cách chạy tàu từ 10 đến 15 phút/lượt. Giai đoạn 2 (6 tháng tiếp theo): mở tuyến từ 5h30, đóng tuyến 22h30; vận hành 9 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/lượt, giờ bình thường 10 phút/ lượt. Trên tuyến đường sắt dài 13km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây. Trước khi đưa tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động chính thức, 733 nhân sự vận hành khai thác đã diễn tập đầy đủ 63 tình huống trong cứu hộ trong khai thác và đã được tư vấn đánh giá an toàn hệ thống chấp nhận. Sau này khi đi vào hoạt động thương mại, "Giá mở cửa 7.000 đồng, mỗi ki – lô - mét thêm 600 đồng. Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng khách đi tàu trả tiền theo ki – lô - mét, đi dài trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít. Giá vé trên đã có trợ giá của Nhà nước". Giá vé ngày là 30.000 đồng/người/vé/ngày, không giới hạn số lượt đi lại; vé tháng có các mức từ 100.000 đến 200.000 đồng/tháng/người tùy theo từng nhóm hành khách. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn phí.

 

Dựa trên sơ đồ đặt trên sân ga chúng tôi biết để tiếp cận 12 ga tàu Cát Linh - Hà Đông, hành khách có thể sử dụng 55 tuyến xe buýt kết nối theo chiều ngang và chiều dọc với tuyến. Ga đầu tuyến Cát Linh và ga cuối tuyến Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Với khách đi xe máy, toàn bộ 12 ga bố trí chỗ gửi để đi tàu.

Phát biểu ý kiến tại lễ bàn giao giữa Bộ Giao thông vận tải với UBND thành phố Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch thành phố, cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, có 10 tuyến với tổng chiều dài 417km, trong đó đi trên cao 342km, đi ngầm 75km. "Tuyến Cát Linh - Hà Đông hoạt động sẽ giúp tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng, cùng 9 tuyến đường sắt đô thị khác đang xây dựng sẽ tạo ra mạng lưới giao thông quan trọng, góp phần giảm ùn tắc nội đô". Có 52 tuyến xe buýt dọc đường sắt này, riêng ga Cát Linh 16 tuyến  xe buýt. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ, bố trí dịch vụ trông xe cá nhân tại các bến.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13km, có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2016, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 13.867,1 tỉ đồng (tương đương 669,62 triệu USD), vốn đối ứng của Việt Nam là hơn 4.100 tỉ đồng (tương đương 198,42 triệu USD). Trong thời gian chạy thử 20 ngày, Tổng thầu EPC đã thực hiện vận hành hơn 5.740 chuyến tàu chạy với tổng số hơn 70.000km vận hành an toàn dưới sự giám sát bởi các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn, các cơ quan chức năng và Hội đồng kiểm tra Nhà nước.

 

Khi sang Pháp, đi tài điện chúng tôi yên tâm bởi vì ngăn cách giữa tàu và hành khách là một hàng rào cửa kính đóng mở tựu động. Nhiệm vụ của hàng rào này là bảo đảm luôn có một khoảng cách an toàn nhất định giữa hành khách và tàu, nhất là mỗi khi tàu vào và rời ga. Khi tàu dừng hẳn cửa hàng rào kính tự động mở. Trước khi tàu đi cửa tự động đóng.

Vách ngăn có cửa mở tự động để bảo đảm an toàn cho hành khách tại một nhà ga tàu điện ở Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Vietnam+

Ở ga Cát Linh không có hàng rào này cho nên rất nguy hiểm trong trường hợp mọi người xô đẩy nhau khi tàu vào bến. Bước đầu nhà ga làm hàng rào "nhân viên” để nhắc nhở mọi người không ùa ra sát tàu, khi tàu đang vào bến. Chắc chắn về lâu về dài nhà ga phải có phương án bảo vệ an toàn cho hành khách bởi vì có rất nhiều người lần đầu mới biết đường sắt trên cao; nhiều người đi vào thời điểm sáng sớm cũng như đếm khuya, lúc có ít nhân viên hướng dẫn.

Hà Hồng

Khach | Dang nhap