Một trong ba công trình kiến trúc được Phương Đình Nguyễn Văn Siêu xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1865 đến 1866 đó là đình Trấn Ba. Đình nằm phía trước nhà bái đường (nếp đền thứ nhất của đền Ngọc Sơn). Đình Trấn Ba có bốn cột cái bằng gỗ và bốn cột góc bằng đá đỡ lấy hai lớp mái bên trên.
Đình Trấn Ba sau đợt cải tạo năm 2018. Ảnh ST
Nói về kiến trúc phương đình ở đền Ngọc Sơn, theo tài liệu viết tay của tác giả Trần Lâm Biền và Chu Quang Trứ (tài liệu chúng tôi thu thập từ anh Thắng, nguyên cán bộ quản lý đền Ngọc Sơn) thì kiền trúc này được xây dựng ở giữa sân, trước các tòa nhà chính của đền. Tòa đình này như nhô hẳn ra mặt hồ. Thực chất đây là một phương đình vì kiến trúc thể hiện theo hình vuông , trên một nền cao cũng hình vuông. Phương đình là một loại kiến trúc xuất hiện muộn trong kiến trúc cổ của nước ta. Một số nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ cho biết, những phương đình sớm nhất chỉ thấy ở thế kỷ 18 và xuất hiện nhiều ở thế kỷ 19. Nó thường được làm phụ thêm vào trước mặt những ngôi đền lớn.
Chung quanh khu vực Hồ Gươm chúng ta thấy ngoài phương đình (đình Trấn Ba) ở đền Ngọc Sơn còn có phương đình trong Khu tưởng niệm Vua Lê (trên phố Lê Thái Tổ). Theo các nhà kiến trúc, phương đình là một công trình kiến trúc nhỏ, thường được dựng tám mái hoặc bốn mái. Phương đình chủ yếu gắn với việc tế tự, người ta hay đốt vàng hương ở đó. Do vậy có khi người ta gọi là nhà thiên hương. Người xưa thường quan niệm: khói hương do lòng thành kính bay lên thì được thần linh chứng giám. Hình thức làm vuông của phương đình là tượng trưng cho tứ tượng (hay tứ chúng sinh, tứ phương thần) đó là quan niệm người xưa tin tưởng như vậy. Hai tầng mái tượng trưng cho âm dương gọi là lưỡng nghi. Bốn mặt mái tượng trung cho tứ tượng (bốn hiện tượng nước, lửa, đất, khí và tám mái tượng trưng cho bát quái). Phương đình hay đình Trấn Ba ở đền Ngọc Sơn gắn liền với Nho giáo. Đình Trấn Ba có hai tầng mái gồm tám mái. Trên đỉnh quả hồ lô hình bầu rượu, tám góc mái làm cong lên. Đình Trấn Ba có các kích thước cơ bản sau: nền cao 0,7 m; dài 6 m; khoảng cách giữa các cột cái: 3,0 m; khoảng cách giữa các cột phụ: 4,4 m; cột cái cao 5,0 m; cột cái có đường kính 0,32 m; cột trụ cao 3 m; cột vuông rộng 0,28 m; từ sàn lên đỉnh nóc: 0,6 m.
Qua các bức ảnh tư liệu chúng tôi thấy giữa đình Trấn Ba có một bia đá. Đọc cuốn sách “Tháp Bút Đài Nghiên Đình Trấn Ba lời nhắn của người xưa” của tác giả Phạm Đức Huân (NXB Văn hóa - Thông tin, 2006) chúng tôi tìm thấy bản dịch nội dung ghi trên bia đá đặt giữa đình Trấn Ba do Án sát sứ tỉnh Hà Nội Đặng Lương Hiên cẩn thận ghi Tú tài Vũ Tá Trứ thôn Thọ Tháp, huyện Thọ Xương viết chữ. Nội dung như sau: “Xây dựng mà không tô điểm thì không kỳ, kết cấu mà không tự nhiên thì không đẹp. Hà Thành là cố đô Thăng Long, trải xem di tích nổi tiếng, ngắm xét việc xưa nay, nên nhìn nhận như thế nào?
Phía Đông thành Hà Nội, ở thôn Hà Thanh, huyện Thọ Xương có hồ, gọi là hồ Hoàn Kiếm, trong hồ có đảo, gọi là Ngọc Sơn. Trong đảo Ngọc Sơn có miếu gọi là miếu Văn Xương. Tôi, Án sát ở Hưng Yên đổi về gặp Phương Đình hai người khoác tay nhau dạo bước. Kể là: Hồ Hoàn Kiếm này đời xưa rất lớn, sau thời Lê Trung Hưng, đã chở đất về lấp làm đường xe chạy, chạy suốt đến Long Lâu Nhĩ Hà. Nửa hồ bên hữu gọi là Hữu Vọng, nửa hồ bên tả gọi là Tả Vọng. Núi ở hồ Tả Vọng là Điếu Đài. Đầu niên hiệu Gia Long có miếu thờ Quan Vũ Đế quân. Đến niên hiệu Thiệu Trị làm miếu riêng thờ Văn Xương Đế quân.
Gần đây ông Án sát Nguyễn Như Cát, qua thăm núi hồ, thương cảm vì quy chế thô kệch, không tu sửa thì sẽ đổ nát. Bèn bàn định quyên tiền. Nhưng chưa kịp làm thì ông Cát bị điều đi làm Bố chánh ở tỉnh Đông. Thế là tôi thay ông, chủ việc này. Tham khảo sách “Thiên quan thư”, sao Đẩu Khôi gồm sáu sao, gọi là Văn Xương cung đẩu. Sáu sao ở phía dưới, cứ hai sao cặp thành một và gọi là Tam Thai. Văn Xương thực chủ văn minh của thiên hạ. Hai sao phía tây gần sao Văn Xương gọi là Thượng Thai. Một sao ở dưới, chủ phân định các vùng Kinh, Dương, Việt. Từ khi mở mang đến nay. Nền nhân văn của ta vẫn kết giao với các nền nhân văn các tiểu quốc quanh Hoa Hạ. Nay miếu mới đã làm xong, phía trước kề bờ nước là Đình Trấn Ba, ngụ ý là núi Chỉ Trụ trấn chặn các làn sóng văn hóa. Bên tả là cầu Thê Húc, phía đông cầu đã dựng Đài Nghiên. Lại về phía đông trên núi Độc Tôn, đã xây tháp Bút, tượng trưng cho văn vật. Qua ba, bốn năm dựa vào tiền quyên góp, đã làm xong, rồi làm bài ký.
Nghĩ rằng: Miếu thờ Văn Xương ở khắp thiên hạ, để dạy mọi người làm điều thiện mà thôi. Nhưng người ta làm điều thiện, không gì thiết yếu bằng ngăn lòng dục của người mà giữ lẽ phải của trời. Chẳng cầu phúc mà tự nhiên được phúc. Đạo nhà Nho ta sáng chói trong kinh sách. Sao còn phải nói thêm. Từ khi người đời xướng lên thuyết Tử Đông Đế quân thì việc tin theo báo ứng luân hồi ngày càng thịnh. Muốn bứt nhổ tục ấy không phải là dễ. Nhìn ngắm quy mô miếu mạo, hình thế Đài Nghiên, Tháp Bút, Đình Trấn Ba, xem văn chữ sẽ nảy sinh ý tưởng. Sẽ thấy thật khác với những gì người đời thường đã làm. Cần tôn tạo cái đẹp tự nhiên trước, rồi kết cấu điểm xuyết. Thăng Long là đất vua quan. Sự đời biến đổi, danh thắng hoang tàn. Cảm nhớ dấu xưa mà sửa sang phục hồi, khiến non sông thêm tươi đẹp. Còn việc thịnh suy đều có nguyên nhân của nó. Chúng tôi đã lãm duyệt các danh tích, khảo cứu việc xưa và nay, đã nhìn nhận như thế”.
Trong nội dung viết trên bia đá đặt tại Đình Trấn Ba có đoạn: “… Phía trước kề bờ nước là đình Trấn Ba, ngụ ý là núi Chỉ Trụ trấn chặn các làn sóng văn hóa…”. Có người cho rằng đình Trấn Ba như cột trụ chặn lại văn hóa phức tạp đương thời (giữa thế kỷ XIX).
Cũng vì ý nghĩa này của đình Trấn Ba tôi đã làm lô-gô với hình tượng đình Trấn Ba để đóng lên các bức ảnh về Hồ Gươm với hàm ý: Tôn vinh văn hóa Việt, tôn vinh vẻ đẹp hàm khuyết của Hồ Gươm - di tích quốc gia đặc biệt.
Trưng bày tiêu bản Rùa Hồ Gươm chết năm 1967. Ảnh ST
Từ bức ảnh cũ chúng tôi được biết Rùa Hồ Gươm chết năm 1967 cũng được trưng bày tại đây trong một thời gian ngắn.
Theo tác giả cuốn sách Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn của Nguyễn Vinh Phúc thì năm 1947 đạn của thực dân Pháp đã phá tan ngôi đình Trấn Ba. Đến năm 1951-1952 một số nhà hảo tâm đã đóng góp công, của để dựng lại đình Trấn Ba. Tác giả Nguyễn Vinh Phúc cho rằng đình được dựng lại gần như nguyên mẫu nhưng qua những bức ảnh tư liệu đầu thế kỷ XX chúng tôi thấy đình Trấn Ba đã thay đổi nhiều, không phải lợp bằng loại ngói âm dương như trước mà thay bằng ngói ta. Năm 2017-2018, đền Ngọc Sơn nói chung và đình Trấn Ba nói riêng đã được trùng tu lớn. Hình dạng kiến trúc của đình lại thay đổi đáng kể, đầu vòm được uốn cong giống như các chùa mà chúng ta thường thấy.
Tại đình Trấn Ba có hai câu đối để ở hai cột sau và hai cột trước đình Trấn Ba.
Câu đối 1:
Miếu mạo sơn dung tương ẩn ước
Thiên quang vân ảnh cộng bồi hồi
Phạm Đức Huân dịch nghĩa:
Dáng miếu, hình non cùng nhắc bảo
Bóng mây ánh nắng đều bồi hồi
Theo Chu Quang Trứ và Trần Lâm Biền: Câu đối này bộc lộ tâm trạng “thầm kín” của các nhà nho, khi đã về ưu ái với chốn thần linh, cửa đền… nhưng vẫn lưu luyến với một cuộc sống xã hội sôi động tốt đẹp, hợp với lòng dân tộc.
Câu đối 2:
Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy
Văn tòng đại khối thọ như sơn
Phạm Đức Huân dịch nghĩa:
Kiếm vốn sắc bén sáng tựa nước
Văn vì đất nước thọ tày non
Bình luận hai câu đối này, Nguyễn Vinh Phúc cho rằng: Đó là cảm tưởng trước đình, nghĩ về một thời thanh gươm cứu nước ngời ngời sáng và cùng một thời văn chương có sức nặng như đá núi. Phải chăng đó là nghĩ tới gươm khởi nghĩa của Lê Thái Tổ và văn Bình Ngô của Nguyễn Ức Trai?./.
Hà Hồng