Vào
khoảng 14 giờ kém 10 phút, ngày
5-2-2006 ( tức mồng tám Tết ), “Cụ
rùa” ( cách gọi trân trọng của
người dân Hà Nội về rùa, có tuổi
hằng trăm năm, đang sống ở hồ Hoàn
Kiếm) nổi đầu lên khỏi mặt nước,
tại vị trí giữa đền Ngọc Sơn và bờ
hồ phía bến xe ô-tô. Cùng chúng
tôi chứng kiến Cụ rùa nổi nhiều
lần trong gần nửa tiếng, có nhiều
khách du lịch nước ngoài.
Theo nhiều nhà khoa học, cũng như
nhiều người dân sống cạnh hồ, Cụ
rùa thường nổi vào lúc thời tiết
thay đổi. Ngày hôm nay khu vực Hà
Nội cũng như chung quanh hồ Hoàn
Kiếm xuất hiện những cơn mưa tương
đối nặng hạt, sau nhiều tuần không
có mưa. Việc Cụ rùa nổi vào chiều
chủ nhật (5-2-2006), như vậy là
hợp quy luật, không phải do nước
hồ ô nhiễm.
Chiều chủ nhật, không có gió mạnh,
nên mặt hồ tương đối phẳng lặng.
Do vậy, chúng tôi có thể theo sát
quá trình vừa đi vừa nổi của Cụ
rùa, thông qua vệt bọt khí nổi
lên. Khác với bọt khí của cá hay
của loại ba ba, rùa nhỏ ( người
dân phóng sinh xuống hồ), bọt khí
của Cụ rùa nổi lên “ sôi ùng ục”
rất mạnh, lâu tan. Lúc đầu, Cụ rùa
đi từ phía cầu Thê Húc sang phía
đài phun nước. Tuy vậy khi đi gần
vào bờ, mỗi lần nổi, mặt Cụ xoay
dần sang hướng nhà hàngThuỷ Toạ.
Khi chỉ còn cách bờ hồ tám mét, Cụ
rùa chuyển hướng đi ra phía giữa
hồ.
Nhiều người đang chờ ở bến xe
khách, chứng kiến cảnh Cụ rùa nổi,
vui ra mặt: Năm mới nhìn thấy Cụ
rùa chắc là sẽ gặp được nhiều điều
tốt lành, vạn sự như ý./. |