Tối
29-9, UBND quận Hoàn Kiếm khai
mạc: “ Tuần lễ Rằm Trung Thu phố
cổ”. Sau tiếng trống khai hội được
ông Hoàng Công Khôi, Chủ tịch UBND
quận Hoàn Kiếm, dóng lên là màn
biểu diễn hát, múa lửa, võ thuật
độc đáo, trong tiếng trống “ tùng
tùng, dinh dinh”. Góp vui trong
đêm khai mạc có hai đội múa lân
phường Hàng Mã và phường Đồng
Xuân.
“Tuần lễ Rằm Trung thu phố cổ “
bao gồm hai hoạt động chính: Hội
chợ Trung thu diễn ra từ 29-9 đến
7-10, tại các phố Hàng Mã, Hàng
Lược và Đồng Xuân; lễ hội đêm Rằm
Trung Thu được tổ chức vào đêm
5-10, tại khu vực trước cửa chợ
Đồng Xuân.
Theo các nhà khảo cổ học thì Tết
trung thu ở Việt Nam có từ thời xa
xưa, đã được in trên mặt trống
đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia
chùa Đọi năm 1121 thì từ thời nhà
Lý, Tết Trung Thu đã được chính
thức tổ chức tại kinh thành Thăng
Long với các hội đua thuyền, múa
rối nước, rước đèn. Đến đời
Lê-Trịnh thì Tết Trung Thu được tổ
chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa
mà “ Tang thương ngẫu lục “ đã
miêu tả.
Việt Nam là một nước nông nghiệp
nên nhân lúc tháng tám gieo trồng
đã xong, thời tiết dịu đi , là lúc
“ muôn vật thảnh thơi” ( bia chùa
Đọi 1121), người ta mở hội cầu
mùa, ca hát vui chơi Tết Trung
Thu.
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em
và người lớn. Tết Trung Thu còn là
dịp để người ta ngắm trăng tiên
đoán mùa màng và vận mệnh quốc
gia. Nếu trăng trung thu màu vàng
thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ.
Nếu trăng trung thu màu xanh hay
lục thì năm đó sẽ có thiên tai.
Nếu trăng trung thu màu cam trong
sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Ngắm trăng năm nay cùng với người
dân Hà Nội, bên hồ Hoàn Kiếm,
chúng tôi thấy trăng có màu cam
trong sáng...
Vẫn như trung thu nhiều năm trước,
Tết Trung Thu năm nay, đồ chơi trẻ
em do Trung Quốc sản xuất, chiếm
chủ yếu trên thị trường, với mẫu
mã đẹp, thay đổi từng năm. Trong
khi đó đồ chơi do Việt Nam sản
xuất vẫn những loại có từ hàng
chục năm nay như đèn ông sao, đèn
cù, tàu phủy làm bằng tôn...
“ Tuần lễ Rằm Trung Thu phố cổ “ -
ngày hội của trẻ thơ, ngày trở về
với ký ức xưa của người lớn./.