Hàng
chục năm nay, cứ vào mùa hè, hễ đi
trên phố Tràng Tiền là chúng tôi
lại nhớ đến một câu hỏi chưa tìm
được lời giải đáp : vì sao phố
Tràng tiền lại không trồng cây ? (
chính xác mà nói, độ vài năm trở
lại đây, đoạn phố từ khách sạn Dân
Chủ đến đầu Nhà Hát lớn, Công ty
công viên cây đã trồng một số cây
). Hiện tại đoạn phố từ khách sạn
Dân Chủ đến ngã tư Hàng Bài, không
có một bóng cây nào.
Đường Hàng Khay- Tràng Tiền vốn có
sẵn từ thế kỷ 16, khi Chúa Trịnh
cho đắp một con đường từ cửa Tuyên
Võ trước Phủ Chúa ra đến bờ sông
Hồng, ngăn đôi hồ Hoàn Kiếm thành
hồ Tả Vọng và hồ Hữu Vọng. Con
đường chúa ngự được lát đá tảng để
voi, ngựa có thể qua lại dễ dàng
mỗi khi Chúa ra lầu Ngũ Long ở
cạnh cửa ô Tây Long. Năm mậu thân
1788 Phủ Chúa cũng như lầu Ngũ
Long không còn, do vậy con đường
lát đá bị người ta cạy ra để làm
việc khác, cỏ mọc làm che lấp dần,
lối đi chỉ còn là con đường mòn
bình thường lầy lội về mùa mưa.
Sau năm 1883 con đường nói trên
trở nên tấp nập khi trở thành con
đường chiến lược của thực dân
Pháp. Con đường nối liền ba địa
điểm đóng quân của thực dân pháp
đó là Đồn Thủy, Tràng Thi, Thành
Trì.
Từ năm 1884, phố Tràng Tiền là một
phố rộng rãi, có trồng cây bóng
mát hai bên vỉa hè; là phố chỉ
dành riêng cho bọn thực dân.
Đọc cuốn sách Hà Nội nửa đầu thế
kỷ XX của Nhà nghiên cứu lịch sử
Nguyễn Văn Uẩn, đến trang 663,
chúng tôi đã tìm được câu trả lời
cho câu hỏi vì sao phố Tràng Tiền
không có cây: “Cuối năm 1885 phố
Tràng Tiền đã được mở rộng mặt
đường khoảng 16- 17 mét, xây vỉa
hè, có hai hàng cây hoa phượng,
mùa hè nở đỏ ối. Tiếc thay hai
hàng cây bóng mát đó bị chặt bỏ để
cho cửa hàng được sáng sủa, không
khí đỡ ẩm thấp, bớt muỗi về mùa
mưa và để làm mất cái nạn ve sầu
kêu làm bọn tây khó ngủ. “
Có lẽ sau khi cho chặt cây, phố
Tràng Tiền trở nên chói chang,
nóng bức về mùa hè, lạnh lẽo về
mùa đông, do vậy chúng cho đổ mái
bê-tông chùm hết vỉa hè có hàng
cột đỡ phía dưới. “ Di tích “này
còn đến ngày nay.
(Nhân dịp này “
hohoankiem.org” xin gửi
đến bạn đọc bức ảnh tư liệu của
TTXVN chụp mọi người đọc báo Nhân
Dân trên phố Tràng Tiền, đón tin
chiến thắng, trong trận “Điện Biên
Phủ trên không “ tháng 12-1972 )