:: MenuL * Local port file *

Trang trước

Trang 1

 

Chân dung người yêu hồ Hoàn Kiếm

Tiến " bao cấp "

Chỉnh cỡ font chữ: Mặc định | To vừa | To

Đầu tháng 2-2006, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã mở cuộc vận động “ Sưu tầm và chia sẻ những hiện vật và hình ảnh về thời bao cấp ở nước ta. Bước đầu, cuộc vận động này sẽ kéo dài đến tháng 5- 2006. Kết thúc cuộc vận động sẽ là cuộc trưng bày về cuộc sống thời bao cấp được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào tháng 6 -2006. Mục đích của cuộc vận động này nhằm giới thiệu các hiện vật, hình ảnh về cuộc sống thời bao cấp giúp cho thanh niên, thiếu niên có sự hiểu biết rõ ràng về một thời gian khó của cha anh và những giá trị đặc biệt của công cuộc đổi mới.
Thật ra ý tưởng này đã có từ vài năm trước đây. Người nêu ý tưởng và đang thực hiện ý tưởng này là anh Ngọc tiến. Anh hiện là phóng viên của báo Hà Nội Mới. Chúng tôi thường gọi anh với cái tên thân mật : Tiến “ bao cấp “. Trong nhiều năm qua anh đã sưu tầm hơn ba nghìn hiện vật thời bao cấp. Một phần số hiện vật sưu tầm được anh Tiến “ bao cấp “ mang trưng bày tại quán : “Cà- phê báo” ở 62 Trần Quốc Toản. Những người từng sống trong thời bao cấp sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn những hiện vật được trưng bày tại đây. Bước chân vào cổng quán, bạn sẽ thấy ngay vỏ một quả bom (trọng lượng từ 300 đến 400 kg). Anh Tiến “bao cấp” kể cho chúng tôi nghe : “Quả bom này do máy bay Mỹ thả xuống ga Giáp Bát vào tháng 12-1972. Năm 2001, được sự đồng ý của lãnh đạo nhà ga, nên tôi chuyển vỏ quả bom mang về để làm vật minh chứng thời kỳ Điện Biên Phủ trên không “. Trong quán cà- phê của anh còn trưng bày một vật hết sức độc đáo đó là chiếc xe máy MZ. Đây là chiếc xe máy của nhà tình báo Tạ Đình Đề, đã sử dụng trong thời gian làm Giám đốc Nhà máy Cao- su Đường sắt. Ngồi uống cà –phê, bạn có thể ngắm nhìn kỹ từng hiện vật được trưng bày trong các tủ kính: nồi nấu cơm, ấm đun nước, chảo gang, mâm cơm, bàn là “ Liên xô”, ca đựng nước, dép cao- su, mũ cối... Nếu người xem đã từng sống trong thời bao cấp sẽ bị hút hồn khi nhìn thấy những cuốn sổ gạo, tem gạo, phiếu mua chất đốt.
Cách đây hơn một năm, khi gặp chúng tôi, anh Tiến “ bao cấp “ vui vẻ khoe:
-Các anh có biết tôi vừa sưu tầm một vật gì không ? Một viên gạch.
-Bằng chứng nào cho thấy đây là viên gạch có từ thời bao cấp? chúng tôi hỏi.
Anh giơ viên gạch cho chúng tôi xem: trên đó có khắc tên người mua. Đây là viên gạch của một nhà nghiên cứu Hán Nôm dùng để xếp hàng mua lương thực, thực phẩm thời bao cấp.
Chắc nhiều bạn trẻ “thế hệ @ “chưa hiểu hết vì sao có viên gạch này. Ngày trước, do thực phẩm khan hiếm nên mọi người thường phải đi sớm để xếp hàng. Nhiều khi phải xếp hàng ở nhiều nơi trong cùng một khoảng thời gian. Do vậy, thay vì phải đứng xếp hàng, người Hà Nội thời đó thường đặt túi, làn, rổ, hay gạch, đá.. thế chỗ mình, rồi chạy ù đi nơi khác xếp hàng. Để cho chắc đó là viên gạch của mình, nhà nghiên cứu Hán Nôm nói trên đã khắc tên mình vào đó để khỏi lẫn với viên gạch của người khác.
Hôm chủ nhật vừa rồi (12 - 3 - 2006 ) chúng tôi gặp anh đang ngồi uống nước một mình tại quán cà-phê bên hồ (đối diện trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm), với nét mặt buồn buồn. Hỏi ra, chúng tôi được biết, có người “quá yêu” kỷ vật thời bao cấp nên đã lấy của anh một số hiện vật trưng bày trong tủ kính ở “ Cà -phê báo”. Gạt chuyện buồn ấy sang một bên, anh Tiến “ bao cấp” lại trở nên sôi nổi khi kể cho chúng tôi nghe hành trình đi tìm đồ bao cấp. Anh cho chúng tôi biết một ý tưởng mới : khi nào có điều kiện sẽ mở một “nhà hàng thời bao cấp”, tại đó sẽ bán món mì “không người lái”, lạc rang muối,.. Dĩ nhiên mọi người đến đây phải xếp hàng thứ tự chứ không có người bưng bê đến tận bàn như thường thấy trong các nhà hàng hiện nay. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp cùng các bạn tìm hiểu kỹ các món “đặc sản” thời bao cấp, khi ước mơ của anh Tiến “ bao cấp “trở thành hiện thực.
Nhiều người biết anh Tiến “ bao cấp” vì anh có sở thích sưu tầm đồ bao cấp, nhưng ở anh còn một sở thích nữa đó là đi dạo bên hồ Hoàn Kiếm. Nhờ lợi thế cơ quan “sát ngay mép nước “ nên lúc nào làm việc căng thẳng anh lại đi dạo quanh hồ để thư dãn. Trong nhiều năm nay, chúng tôi và anh Tiến đã có nhiều dịp vừa đi quanh hồ vừa kể truyện về những kỷ niệm thời thơ ấu bên hồ, hay những câu chuyện về những nhân vật, sự kiện gắn với hồ Hoàn Kiếm.
Mỗi lần đi công tác xa, nhất là đi nước ngoài về, bao giờ anh cũng bảo bác “tài” cho xe về trụ sở báo Hà Nội Mới, quẳng đồ vào phòng làm việc, rồi đi bộ vài vòng hồ hoàn Kiếm, để hòa mình vào không khí “đặc quánh chất Hà Nội”.
Cách đây không lâu anh Tiến mua lại chiếc xe ô-tô thanh lý của cơ quan. Có hôm do công việc nhiều nên anh nghỉ tại cơ quan. Đêm khuya, trước khi nghỉ anh tự thưởng cho mình bằng cách lấy ô-tô chạy quanh hồ. Dự kiến chạy một hai vòng rồi về, ai dè chạy vòng quanh hồ ba mươi vòng mà chưa muốn về. Thấy lạ, anh công an tuýt còi lại hỏi: “ anh có làm sao không ?”. Đúng là mỗi người yêu hồ một vẻ!
Ngày 14-3-2006, cũng tại quán cà-phê bên hồ, chúng tôi lại gặp anh Tiến. Anh báo tin vui: cuối năm nay sẽ hoàn thành cuốn sách: “ Truyện quanh Hồ Gươm”, dầy 400 trang. Mong rằng “ hohoankiem.org” sẽ sớm được giới thiệu cuốn sách này để đông đảo những người yêu hồ Hoàn kiếm được biết, và cùng chia sẻ những kỷ niệm với tác giả. /.

:: MenuL * Local port file *

Tiến “ bao cấp “
  In ra  Đầu trang