Nhà
văn Băng Sơn có nhiều bài viết về
cây xanh Hà Nội nói chung và cây
xanh chung quanh hồ Hoàn Kiếm nói
riêng. Ông viết: “ Có người nói:
Hồ Gươm đẹp một phần vì có cây
xanh. Nếu nói dại không còn cây
xanh thì hồ sẽ là nàng quận chúa
xiêm y lộng lẫy nhưng đầu lại trọc
lốc. Quả có thế “.
Là một người có nhiều kỷ niệm gắn
với hồ Hoàn Kiếm, ông có thể kể
vanh vách những cây quý bên hồ: “
Quanh Hồ Gươm bốn mùa thường xanh
nhờ bốn cây tếch, hai cây gạo, một
cây sung, một cây đề, 11 cây cọ,
17 cây bàng, năm cây vông, cây hoa
sưa ( không phải hoa sữa. Hoa sữa
thì thơm, còn hoa sưa thì trắng
muốt mùa xuân)..... “
Hai cây gạo mà nhà văn Băng Sơn
nhắc đến, một cây đối diện vườn
hoa Lý Thái Tổ, và một cây trước
cổng đền Ngọc Sơn. Cây trước cổng
đền Ngọc Sơn đã chết cách đây hơn
mười năm, lúc đó nó cao gần 20
mét. Cây gạo hiện nay trước cổng
đền mới được trồng lại. ( cao
khoảng bảy mét ).
Vì sao cây gạo thường được trồng
trước cổng đền ?
Các cụ thường nói : “ Thần cây đa,
ma cây gạo “. Theo các cụ: Gọi là
“ ma cây gạo “ bởi vì gốc gạo có
nhiều vấu to, nổi khối, và do đó
có nhiều hốc. Người xưa quan niệm
đó là nơi hồn ma trú ngụ. Thân gạo
thẳng có nhiều gai, được xem là
những nấc thang để hồn ma trèo lên
các tầng cao mà hoà nhập vào vũ
trụ. Cây gạo thường được trồng ở
sân của đền, chùa, đó là những nơi
có không gian thiêng. Ngoài những
ý nói trên, việc trồng cây đa ở
những vị trí thiêng liên đó, còn
để các hồn ma được nương bóng
Thần, Phật mà mong siêu thoát.
Mặt khác, trong tư duy liên tưởng
của người Việt Nam, cây gạo còn là
một biểu tượng của đời sống ấm no,
“ cơm no, áo ấm “. Quả gạo khi nở
có nhiều túm bông trắng có thể thu
gom làm chăn, gối, áo...Hơn nữa
cây gạo cũng được các cụ ngày xưa
coi là cây thiêng, cây vũ trụ , là
thiên sứ mang thông điệp của trời
báo điềm lành cho dân, cho nước.
Chả thế mà khi cây gạo già trước
cổng đền Ngọc Sơn chết đi, người
ta lại trồng một cây gạo mới đúng
tại vị trí ấy.
Từ đầu năm đến nay, mỗi lần đi qua
cổng đến Ngọc Sơn chúng tôi đều
nhìn lên cây gạo trước cổng. Điều
làm chúng tôi băn khoăn là phần
phía trên của cây, các nhánh cây
đều có mầu đen ( trông như bị ai
đốt ).
Cứ nghĩ mùa đông thì cây trụi lá,
trơ cành. Nhưng xuân qua, hè đến,
thu tới, cành cây gạo trước cổng
đền Ngọc Sơn vẫn trụi lá, đen sì.
Chúng tôi còn nhìn thấy một đoạn
cành mục đã gẫy ( chưa rời khỏi
thân cây ). Trong khi đó cây gạo
trước Vườn hoa Lý Thái Tổ lá xanh
mướt.
Theo chúng tôi cây gạo mới trồng
trước của đền Ngọc Sơn đang bị
“ốm”. Đề nghị Công ty Công viên
cây xanh và các cơ quan có chức
năng của thành phố cần tổ chức “
khám” tổng thể và có kế hoạch chăm
sóc đặc biệt, để hoa gạo lại nở
trước cổng đền như thuở xưa ./.