Đi
chơi xuân, người dân Hà Nội không
chỉ có thói quen đến các tụ điểm
vui chơi, giải trí mà còn có thói
quen đến thăm quan các công trình
văn hóa lịch sử, phòng tranh, bảo
tảng. Những ngày đầu xuân Bính
Tuất này, thành cổ Hà Nội đón rất
nhiều khách đến thăm quan và xem
một cuộc triển lãm tranh đặc biệt:
tranh phục dựng hình ảnh Thăng
Long-Hà Nội thế kỷ XVII-XIX.
Triễn lãm trưng bày 53 bức sơn
dầu, phóng to từ những hình ảnh
gốc nằm rải rác trong sách và các
công trình nghiên cứu mô tả Thăng
long –Hà Nội của các học giả châu
Âu từng đến kinh đô Việt ở những
thế kỷ trước. Mỗi bức tranh tại
triển lãm là một kho tư liệu vô
cùng quý giá về kiến trúc, trang
phục, phong tục tập quán, lối sống
của người Thăng Long xưa.
Nhà nghiên cứu, họa sĩ Trịnh Quang
Vũ cùng với người em trai của mình
là nhà khoa học Trịnh Quang Dũng
đã mất nhiều công sức sưu tập các
bức tranh nói trên tại các thư
viện, kho tư liệu ở nhiều nước
trong suốt 30 năm qua. Thật bất
ngờ cho những người yêu quý hồ
Hoàn Kiếm khi nhìn thấy những bức
tranh cổ vẽ về hồ, như bức tranh:
bờ hồ Hoàn Kiếm phía đền Bà Kiệu.
Khi đó chưa có con đường nhựa chạy
quanh hồ. Nhà cửa từ phía Cầu Gỗ
san sát đến tận mép hồ. Bức tranh
lầu Ngũ Long, Tả vọng đình bên hồ
Thủy Quân, do họa sĩ Trinh Quan Vũ
phục dựng. Nhìn bức tranh này,
chúng ta nhớ đến phần tiểu dẫn bài
thơ Vịnh Tả Vọng hồ của tiến sĩ
Trần Bá Lãm (1757-1815) ( nguồn Hồ
Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn của Nhà
Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc) : “
Hồ nằm trong La Thành. Phía nam hồ
có bãi nổi, gọi là hỗ Hữu Vọng,
phía bắc hồ có mô đất nổi, gọi là
hồ Tả Vọng. Cây cối um tùm, nước
xanh biếc. Xưa có một lạch nhỏ
thông ra sông Nhị Hà. Đời Lý Thánh
Tông dựng hành cung ở phía nam hồ
làm nơi hóng gió. Đời Trần giặc
Nguyên xâm lược, vua sai tập thủy
quân ở hồ, đặt tên là đầm Thủy
quân. Đến hoàng triều, vua Thái Tổ
trả lại gươm cho thần ở đó, nên
gọi là hồ Hoàn Kiếm”.
Người yêu hồ Hoàn Kiếm sẽ phần nào
hình dung được diện mạo của hồ vào
năm 1490, khi xem mô hình kinh đô
Thăng Long dựa trên hình vẽ in
trong cuốn sách “ Hồng Đức bản
đồ”. Mô hình rộng chừng 4 m2.
Tại cuộc triển lãm này, chúng tôi
đã gặp bác Vũ Nhân nhà ở 28/ ngõ
65 phố Minh Khai. Tuy đã 80 tuổi,
lưng đã còng nhưng bác vẫn chăm
chú xem kỹ từng bức tranh.
Bác có cảm nghĩ gì khi xem cuộc
triển lãm này ? Chúng tôi hỏi.
- Cảm động quá anh ạ, Thăng Long
thật đẹp cho dù đó chỉ là những
bức tranh phục dựng. Lần đầu tôi
được nhìn bức tranh vẽ hồ Thủy
Quân, trước đây chỉ tự hình dung
qua mô tả trên sách. Xin cám ơn
các họa sĩ đã làm một việc có ý
nghĩa hướng tới lễ kỷ niệm Thăng
long-Hà Nội một nghìn năm. /. |