:: MenuL * Local port file *

Trang trước

Trang 1

Đặng Thùy Trâm đã trở thành bất tử !

Các báo số ra ngày 23-2-2006, đồng loạt đăng tin trên trang nhất với nội dung : Chủ tịch nước Trần đức Luơng có Quyết định số 247/2006/QĐ/CTN, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm, phụ trách điều trị Bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là một vinh dự không chỉ cho gia đình của bác sỹ Đặng Thùy Trâm mà còn là vinh dự cho lớp lớp thanh niên đã sống đẹp, sống hết mình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tháng 4-2005, Nhà văn Bảo Ninh sang Mỹ dự Hội thảo văn học về đề tài chiến tranh ở bang Tếch–dát. Bên lề hội thảo ông đã gặp một người Mỹ tên là Rober Whitehurst. Trên tay ông cầm chiếc CD ghi lại toàn bộ cuốn nhật ký của một nữ liệt sỹ tên là Đặng Thùy Trâm mà em trai của ông là Frederic Whitehurst nhặt được trong một đợt quân Mỹ hành quân thảm sát khu vực mà nữ liệt sỹ hoạt động. Ông Rober mong muốn trao lại phiên bản cuốn nhật ký cho người thân của tác giả trong thời gian ngắn nhất. Ngày 29-4-2005, phiên bản cuốn nhật ký đã đến tay người nhà của Đặng Thùy Trâm. Trong bức thư gửi cho người mẹ của nữ liệt sỹ là bà Doãn Ngọc Trâm, Federic viết : “ Thưa bà Trâm, con gái bà đã một mình chiến đấu với 120 lính Mỹ để bảo vệ các bạn của mình. Ở bất cứ một nước nào trên thế giới hành động đó được gọi là anh hùng...” . Robert cho rằng: “... Những lời bày tỏ về tình yêu của chị, cũng như những lời gọi tha thiết hướng về gia đình, khiến bất cứ ai từng được đọc qua cuốn nhật ký cũng phải xúc động...”
Khi cuốn sách “ Nhật ký Đặng Thùy Trâm “được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành đã tạo ra một “ làn sóng cảm xúc” trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều bạn trẻ khi đọc cuốn nhật ký đã bật khóc, đã phải nhìn lại mình trong cách sống, cách nghĩ và thấy cần phải trân trọng lich sử của dân tộc hơn. Họ đã hiểu vì sao một thời lại có “ những người con gái, con trai, đẹp hơn hoa hồng và cứng hơn sắt thép”. Với những dòng chữ được viết ra bằng máu, thật giản dị, chân thành, người nữ liệt sỹ, bác sỹ ấy đã để lại cho các thế hệ đi sau bài học cao quý về sự cống hiến và lòng vị tha.
Ngày 16-9-2005, khi đi đến đoạn bờ hồ Hoàn Kiếm, đối diện báo Hà Nội Mới, chúng tôi thấy một bác gái vừa đọc một cuốn sách vừa lau nước mắt. Đến gần chúng tôi được biết đó là cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Người đang đọc cuốn sách đó là bác Phạm Thu Hà ( sinh năm 1928 ), nhà ở 28 phố Hàng Cân, Bác đã tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, từng bị địch bỏ tù từ năm 1949 đến 1950. Trước khi về hưu, bác công tác tại Xí nghiệp Bánh kẹo Hà Nội.
-Vì sao bác có cuốn sách này ? Chúng tôi hỏi.
-Con gái tôi mua cho đấy. Càng xem, càng thấy đồng cảm về sự khó khăn vất vả mà người phụ nữ phải chịu đựng trong chiến tranh, càng tự hào về lớp trẻ thời kỳ chống giặc cứu nước.
Bác kéo chúng tôi ngồi xuống và đọc cho nghe những đoạn nhật ký viết về sự khốc liệt của chiến tranh, nỗi nhọc nhằn của những y sỹ, bác sỹ trên chiến trường.
Cơn gió mát từ mặt hồ, ào đến chúng tôi, như mang theo lời kể: quanh vòng hồ này đã từng in dấu bước chân của Đặng Thùy Trâm. Lúc còn là học sinh Trường Chu Văn An, Đặng Thùy Trâm đã cùng với những người bạn của mình dạo quanh hồ Gươm (qua lời kể của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn) : “Đêm giao thừa ngay khi có chiến tranh rồi thì mấy ngày Tết vẫn có ngừng bắn, cũng như mọi người, chúng tôi dắt xe đạp đi quanh Hồ Gươm trong tiếng nhạc dập dìu của mấy bài Hà Nội Huế Sài Gòn, tiếng hát giữa rừng Pắc Bó. Và Hồ Gươm là địa danh mà Đặng Thùy Trâm nhắc đến trong thời khắc giao thừa năm 1970, tại Đức Phổ ( Quảng Ngãi ) : “ Bốn năm rồi xa nhà, giao thừa lần thứ tư sống xa những người thân. Hà Nội ơi ! đêm nay Hồ Gươm người vẫn vai chen vai. Tháp rùa vẫn rung rinh ánh điện, Nhưng ta biết Hà Nội của ta niềm vui không trọn vẹn...”
Nhân kỷ niệm 51 năm, Ngày Thầy thuốc Việt Nam ( 27-2 ), Bộ Y tế phát động phong trào học tập gương Anh hùng liệt sỹ - bác sỹ Đặng Thùy Trâm, phấn đấu nâng cao tinh thần thái độ và chất lượng phục vụ người bệnh trong toàn ngành y tế.
Đặng Thùy Trâm hy sinh anh dũng khi chị mới 27 tuổi. Một cuộc đời ngắn ngủi. Nhưng đối với chúng tôi, chị đã trở thành bất tử, vì chị đã cống hiến từng giây, từng phút tuổi thanh xuân của đời mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước ./.

:: MenuL * Local port file *

Đặng Thùy Trâm đã trở thành bất tử !
  In ra  Đầu trang