Ngày
17-9, UBND thành phố Hà Nội giới
thiệu siêu dự án “ Thành phố sông
Hồng ” tại Nhà Thông tin 45 Tràng
Tiền. Gọi là siêu dự án bởi nó
liên quan đến 190 nghìn người sinh
sống hai bên bờ sông Hồng và cần
số tiền lến đến 7 tỷ đô-la, kéo
dài từ năm 2008 đến năm 2020.
Hiếm có một cuộc triển lãm giới
thiệu quy hoạch nào lại thu hút
đông đảo người dân đến xem và góp
ý kiến như cuộc giới thiệu siêu dự
án thành phố sông Hồng này. Từ
sáng sớm khi nhà triển lãm chưa mở
cửa, mọi người đã đứng xếp hàng
chật cứng ở cửa ra vào. Nhiều
người đến, muốn nhìn xem thành phố
trong tương lai thế nào ? Ngược
lại nhiều người đến để xem khu nhà
mình ở có nằm trong diện quy hoạch
không, nếu phải di dời thì đi đâu
?
Bác Linh nhà ở tổ 20, phường Phúc
Xá, quận Ba Đình, cho chúng tôi
biết, nhà tôi trong diện giải tỏa.
Tôi ủng hộ quan điểm của Nhà nước
cho xây thành phố hiện đại bên
sông. Tuy vậy tôi mong muốn việc
di dời, đền bù phải công bằng và
công khai, đúng như ý kiến chỉ đạo
của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh
Hùng: “ Đây là dự án có quy mô
lớn. Đặc biệt vấn đề di dời, tái
định cư phải được nghiên cứu kỹ
lưỡng, phải đặc biệt công khai,
minh bạch và tạo điều kiện ăn ở
tốt nhất cho người dân ”
Các bạn của “ hohoankiem. org “
thân mến, theo kế hoạch năm 2008
sẽ triển khai dự án, nhiều nhà dân
sẽ di dời, cuộc sống sẽ đổi khác.
Bãi giữa sông hồng không còn hoang
vắng, thơ mộng như hiện nay... Còn
chờ gì nữa, khi nào có điều kiện
các bạn nên tự thưởng cho mình một
chuyến du lịch ra bãi giữa sông
Hồng bằng việc đi bộ trên cầu Long
Biên có tuổi hơn 100 năm, rồi theo
cầu thang nhỏ xuống bãi giữa ( Các
bạn chú ý nhé, không cho trẻ em đi
cùng, khi ở bãi giữa không ra gần
mép nước đề phòng lở đất, càng
không tắm sông, đề phòng nước xoáy
ngầm).
Những lúc căng thẳng đầu óc chúng
tôi lại tự thưởng cho mình một
chuyến đi du lịch như vậy. Hy vọng
chúng tôi và các bạn sẽ có dịp kể
cho cho nhau nghe những điều trống
thấy khi thực hiện chuyến du lịch
dân dã ấy. Chúng ta đang rất hạnh
phúc, bởi chúng ta đang chủ động
ghi nhận cuộc sống, cảnh vật dải
đất ven sông Hồng, đoạn chảy qua
Hà Nội, điều mà thế hệ sau chỉ
được biết qua sách vở và hình ảnh
./.