Ngày
7-1-2006, đi qua Nhà triển lãm phố
Hàng Bài (đối diện Trường tiểu học
Trưng Vương) chúng tôi thấy một
cuộc triển lãm có chủ đề: Hà Nội
một góc nhìn thời gian, và pa–nô
quảng cáo rất bắt mắt với người
yêu hồ Hoàn Kiếm: Tháp Hoà Phong.
Hà Nội những góc nhìn thời gian là
tên một dự án triển lãm tái tạo
không gian đặc trưng Hà Nội từ
cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX
theo ba giai đoạn.
Giai đoạn một: Dãy phố trong khu
36 phố phường, trước sự can thiệp
quy hoạch của người Pháp, kiến
trúc hoàn toàn thuần Việt. Giai
đoạn hai: Dãy phố khi bắt đầu có
sự can thiệp về quy hoạch và xây
dựng của người Pháp. Giai đoạn ba:
dãy phố trong những ngày đáng nhớ:
“ Hà Nội mùa đông năm 1946 “.
Bằng công nghệ 3D, trong hai năm
sáng tạo, các họa sĩ, kiến trúc sư
trẻ trong nhóm 3D Hà Nội đã mang
đến cho chúng ta cảm giác đặc
biệt, như được đi ngược thời gian,
được đứng trong lòng phố cổ vào
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đó
là những bức ảnh tái tạo một góc
phố cổ, không gian sống thuần
Việt, chiến luỹ trên đường phố...
Bác Nguyễn Thị Ất nhà ở 207-D1 khu
tập thể Thành Công, vừa dơm dớm
nước mắt vừa kể với chúng tôi:
“Nhìn các bức ảnh này tôi nhớ Hà
Nội 60 năm về trước. Các bạn trẻ
thể hiện đường phố giống ngày
trước quá”. Nghe đến thế kiến trúc
sư trẻ Đỗ Hồng Long (
frozenflame@3dhanoi.com), thích
lắm mời bác Ất ra “ quán nước “
ngồi, để nghe bác kể chuyện những
kỷ niệm xưa.
Bác Nguyễn Vũ Trung, nhà ở 37A Lý
Nam Đế, vui vẻ nói: “tôi đã đến
đây ba lần để xem cuộc triển lãm.
Mỗi lần đến xem làm một lần nhớ kỷ
niệm thời trai trẻ, như hiện ra
trước mắt tôi”. Bác kéo chúng tôi
đến trước bức ảnh tháp Hoà Phong
và kể: “Hồi tôi còn nhỏ thường xin
tiền bố mẹ đi mua lạc rang của một
ông cụ ngồi dưới chân tháp này.
Vào ngày giáp Tết ta dưới chân
tháp bút gần cổng đền Ngọc Sơn có
ông cụ ngồi viết câu đối”....
Các em thiếu nhi chưa biết gì về
lịch sử nơi chúng đang sống, nhưng
thấy ảnh đẹp, và lạ là chúng ngồi
bệt trên sàn mà vẽ say sưa.
Xem kỹ một số bức ảnh, chúng tôi
thấy có chỗ chưa chính xác như:
vỉa hè, gạch lát hè bằng đá
gra-ni-tô như thời nay là không
đúng. Tầu điện của Hà Nội ngày xưa
được đưa từ Pháp sang đẹp lắm,
không “ọp ẹp” như trong ảnh. Theo
tác giả của cuốn sách “ Hà Nội
giai đoạn 1873-1888, ANDRÉ MASSON
nhà bên hồ Hoàn Kiếm là nhà một
tầng lúp xúp ra tận ven hồ, không
phải là những dãy nhà hai tầng như
phố Hàng Ngang, Hàng Đào mà trong
một số bức ảnh thể hiện...Những
khiếm khuyết nhỏ này, nếu các kiến
trúc sư trẻ mời các nhà Hà Nội học
Nguyễn Vinh Phúc, các nhà sử học
Phan Huy Lê, Lê Văn Lang, Dương
Trung Quốc...đóng góp ý kiến vào
các bức tranh trước khi triển lãm
chắc sẽ thành công hơn nhiều.
Bằng công nghệ 3D, hy vọng sau này
chúng ta sẽ được xem những những
bộ phim hoành tráng về lịch sử Hà
Nội với những cảnh như thật.
“Thật sự ấn tượng, xin cám ơn các
bạn kiến trúc sư trẻ”, đó là cảm
nhận của chúng tôi cũng như nhiều
người đến xem cuộc triển lãm giản
dị nhưng thật sâu sắc này./.