Thân
thuộc và đầm ấm. Đó là cảm giác
của chúng tôi khi đến ngôi nhà cổ
87 Mã Mây, để xem các nghệ nhân
làm trò chơi Tết Trung thu.
Ngay từ cửa vào, nhìn cảnh tượng
một ông lão ngồi viết chữ nho, một
anh thanh niên nặn tò he, một chị
làm đèn lồng...chúng tôi có cảm
giác như đang trở về những kỷ niệm
tuổi thơ.
Rất nhiều cô bé, cậu bé theo bố mẹ
đến đây để nhìn trò chơi trung thu
thời bố mẹ của chúng. Chúng tò mò
nhìn, ngó, sờ, nắn y như vừa được
bố, mẹ mua cho một đồ chơi hiện
đại ở phố Lương Văn Can.
Bên cạnh Mâm ngũ quả đặt giữa nhà,
là chỗ làm việc của người thợ đang
gò tàu sắt, trò chơi mà những đứa
trẻ thời bao cấp như chúng tôi đều
yêu thích.
Nồi máy là bộ phận quan trọng nhất
của tàu. Nó được làm bằng một
miếng sắt tây và một lá đồng mỏng
tạo thành hộp rỗng có thể đổ nước
vào. Nối với nồi máy là hai ống
dẫn nước thông nhau dưới đáy tàu.
Khi đốt phao dầu, lửa sẽ làm cho
nước ở bên trong nồi sôi lên và
được đẩy ra ngoài theo một đường
ống làm cho tàu chuyển động. Trong
khi đó ống dẫn bên kia hút nước
lạnh vào đưa lên nồi máy để đun
nóng. Cứ như thế, nước được đẩy ra
liên tục, giúp tàu tiến lên phía
trước. Khi nước sôi, Lá đồng trên
nồi máy rung lên tạo tiếng kêu
tạch tạch rất hấp dẫn.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (nhà ở ngõ
25,ngách 68 làng Khương Hạ), con
của bác Nguyễn Văn Nhâm - người
làm sản phẩm này từ hàng chục năm
trước, cho chúng tôi biết: Đây là
sản phẩm gia truyền của gia
đình.Bây giờ không bán được nhiều
như ngày xưa nhưng hiện nay mỗi
tháng bán được 100 chiếc cho các
cửa hàng ở phố Hàng Thiếc, người
mua chủ yếu là khách du lịch.
Đọc sổ lưu bút, chúng tôi đã nhìn
thấy những nét chữ quen quen của
những trí thức Hà Nội.
Nhà văn Băng Sơn ghi : “ Trung thu
2007 rất vui được ngắm cỗ tại Nhà
cổ 87 Mã Mây. Đây là một việc làm
đáng quý để giữ gìn hồn phố cổ của
Thăng Long - Hà Nội mà trong cơ
chế mới đang mai một đi ít nhiều”.
“ Rất hoan nghênh sáng kiến này
của ban quản lý phố cổ. Hoạt động
này đã tôn vinh những giá trị tinh
thần Việt Nam - Hà Nội. Cũng rất
mong vào những ngày lễ tết sau này
Ban Quản lý phố cổ tổ chức những
hoạt động tương tự”, Đó là những
dòng cảm tưởng của Nhà Hà Nội học
Nguyễn Vĩnh Phúc./.