Cuối năm 2017 có duyên với Truyền hình Hà Nội
Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
Chỉ còn mấy ngày nữa đến Tết Mậu Tuất- 2018, tôi nhận được yêu cầu của Chi - phóng viên truyền hình Hà Nội: Anh tham gia cuộc trò chuyện về biếu quà Tết. Tôi nhận lời. Tưởng là đến trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội nhưng Chi lại mời đến “trường quay” di động tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây Hà Nội. Đúng 8 giờ tối ngày 6-2- 2018 tôi có mặt tại 87 Mã Mây. Tại đây tôi đã thấy ca sĩ Hồng Kỳ đang trò chuyện với MC Mai Anh về chủ đề đi chới Tết.
Trao đổi với MC Mai Anh về chủ đề quà Tết, tôi có dịp kể về những cảm xúc của mình mỗi độ Tết đến xuân về được cùng bố mẹ đi chung quanh hồ 50 năm về trước - năm 1968. Đó là thời kỳ Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Trong đó có bốn ngày Tết thì “đình chiến” trẻ con từ sơ tán được về Hà Nội ăn Tết, được nghe Bác Hồ chúc Tết vào thời điểm giao thừa thông qua chiếc loa công cộng đặt trên cây xà cừ đối diện với CLB Thống nhất, nay là nhà hàng Lục Thủy. Được bố mẹ tặng quà là bộ quần áo mới. Tôi còn nhớ đó là chiếc áo trắng chứ không phải áo mầu tối. Bởi trong chiến tranh mọi người tránh mặc áo trắng đề phòng máy bay Mỹ phát hiện rồi thả bom hoặc bắn tên lửa.
Nói về chuyện quà Tết ngày nay, tôi có dẫn chứng chỉ thị số 16 của Ban Bí thư Trung ương ban hành ngày 22-12-2017 về việc tổ chức Tết năm 2018. Theo đó, Chỉ thị đề nghị các đồng chí lãnh đạo Trung ương không về địa phương chúc Tết, đồng thời các địa phương cũng không được lên Trung ương chúc Tết các đồng chí lãnh đạo. Mặc dù dẫn chứng chỉ thị nói trên nhưng tôi vẫn khẳng định trong thời điểm cận kề ngày Tết này các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang đi chúc Tết. Đó là đi chúc Tết các gia đình chính sách, gia đình có công với nước, gia đình nghèo. Các chuyến tàu vượt biển đến các đảo xa, các chuyến ô tô đến vùng cao biên giới đầy ắp hàng, quà Tết của người dân, doanh nghiệp cả nước gửi tặng.
Người Hung-ga-ri có tục lệ mỗi độ Tết đến mọi người trong gia đình lại quần tụ bên nhau. Trẻ con tặng ông bà những đôi tất, chiếc khăn len, con cháu tặng ông bà bố mẹ, ông bà những món quà là đồ vật dùng hằng ngày, có khi là cuốn sách mới xuất bản. Nhân dịp này tôi đã tặng ê-kíp làm Chương trình Người Tràng an của Truyền hình Hà Nội một món quà Tết đó là cuốn sách mà tôi mới xuất bản: “ Chuyện kể bên Hồ Gươm”. Cuộc tọa đàm nói trên được phát trên truyền hình Hà Nội vào chương trình Người Tràng An cuối cùng của năm 2017 (mời các bạn xem chương trình theo đường Link: http://hanoitv.vn/ky-su-ha-noi-cv320/)
Trước đó cuối tháng 11 đầu tháng 12-2017, anh Minh đạo diễn của Ban Văn nghệ Truyền hình Hà Nội tìm gặp tôi đề nghị tôi tham gia làm phim ký sự về Hồ Gươm. Tôi nhận lời. Thế là chúng tôi có nhiều ngày hợp tác với nhau. Trước khi bấm máy tôi và anh Minh đã có một buổi trao đổi với nhau về đề cương kịch bản về những nội cần nói trong hai ký sự về Hồ Gươm.
Theo đơn đặt hàng của anh Minh tôi có nhiệm vụ cùng với MC Mai Tân giới thiệu cho khán giả Truyền hình Hà Nội biết một số di tích chung quanh Hồ Gươm. Chúng tôi cùng đoàn làm phim đi đến Đền Ngọc Sơn, Cây đa Báo Nhân Dân, cây lộc vừng chín gốc, cây đề ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục…Trong phim tôi cũng giới thiệu một thông tin mà mình mới phát hiện cách đó hai tuần. Đó là hai chiếc cóng bằng đá phía trên cổng Tháp Hòa Phong đối diện với Bưu điện Hà Nội. Hai chiếc cóng đa này chính là hai chốt cửa ra vào chùa Báo Ân. Nhìn các bức ảnh cũ chụp Chùa Báo Ân chúng ta thấy rõ có một con đường nhỏ nối Chùa Báo Ân với Tháp Hòa Phong.
Một địa danh bên hồ tôi đã viết năm 1997, nay được xem lại đó là chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội. Bốn chị trông coi đồng hồ năm 1997 mà tôi gặp nay đã về hưu. Hiện nay phụ trách việc trông coi đồng hồ, bảo đảm cho đồng hồ chạy là một tốp cán bộ toàn nam do anh Vân phụ trách. Chiếc đồng hồ này được lắp đặt và hoạt động từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Chúng tôi thấy trong không gian đặt bốn chiếc đồng hồ quay bốn mặt vẫn như lần trước cách đây 21 năm tôi từng được xem. Vào mùa hè, lúc giữa trưa, cán bộ kỹ thuật phải chịu cái nóng khoảng 40 độ C khi làm việc tại đây.
Ngày trước, khi đồng hồ mới được lắp đặt, đúng sáu giờ sáng hằng ngày, từ nhà mình ở giữa phố Lý Thường KIệt chúng tôi nghe được bài lãnh tụ ca phát ra từ chiếc đồng hồ trên nóc nhà bưu điện. Anh Vân cho biết khoảng ba bốn năm nay đồng không phát nhạc (lãnh tụ ca) từ hệ thống các loa đặt bốn phía chung quanh bốn mặt đồng hồ nữa. Chúng tôi được anh Vân cho xem hệ thống phát bản nhạc đặt ở dưới tầng một. Hệ thống này nay không còn hoạt động được nữa. Toàn bộ trung tâm điều khiển ở tầng một cũng không hoạt động. Thay vào đó là thiết bị mạch tự động điều khiển được đặt dưới cột đồng hồ. Theo anh Vân trong thời gian tới chiếc đồng hồ này sẽ được đầu tư, nâng cấp, có thể phát đi nhiều bản nhạc, vào những thời điểm thích hợp. Thật may mắn cho tôi khi được anh Vân tặng cho một chiếc đồng hồ nhỏ. Đây là chiếc đồng hồ được đầu tư đồng bộ với chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ, tín hiệu được lấy từ đồng hồ mẹ.
Sau khi phát hai ký sự về Hồ Gươm ( các bạn có thể xem qua hai đường Link: Ký sự Hồ Gươm I: (http://hanoitv.vn/ky-su-ha-noi-cv320/). Ký sự Hồ Gươm 2: hanoitv.vn/ky-su-ha-noi-tan-man-ve-ho-guom-phan-2-v81681.html). Anh Minh lại đặt ra yêu cầu với tôi là muốn làm phim giới thiệu cuốn sách: “Chuyện kể bên Hồ Gươm”. Thế là tôi lại được ra hồ. Lần này không phải đi cùng với MC Mai Tân mà có cuộc nói chuyện với phóng viên Nga (Báo Hà Nội mới) và phóng viên Hà ( Báo Văn nghệ Công An) đó là hai người đã viết bài giới thiệu quyển sách của tôi.
Thật vinh dự cho tôi khi được các bạn đồng nghiệp ở Truyền hình Hà Nội làm các bộ phim và Talk Show về Hồ Gươm, về tình yêu của tôi, của mọi người với Hồ Gươm trong dịp cuối năm 2017. Hy vọng tôi lại có nhiều dịp nữa thể hiện tình yêu của mình với Hồ Gươm với văn hóa Người Hà Nội qua các tác phẩm của các bạn đồng nghiệp ở Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Hà Hồng
Đánh giá bài viết