Đợt nạo vét lớn nhất trong lịch sử hồ Hoàn Kiếm
Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
Ngày 31-12-2017, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước) đã hoàn tất việc nạo vét hồ Hoàn Kiếm sau 63 ngày triển khai, kinh phí chi cho đợt nạo vét này khoảng 30 tỷ đồng. Đây là đợt nạo vét lớn nhất trong lịch sử Hồ Gươm vì trước đó trong mấy chục năm qua Hồ Gươm đã được nạo vét nhưng ở quy mô nhỏ, chủ yếu nạo vét chung quanh bờ. Trước đó vài trăm năm chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào nói Hồ Gươm được nạo vét.
Trong đợt nạo vét này Công ty Thoát nước Hà Nội đã nạo vét khoảng 60.000 m3 bùn trên tổng diện tích 11,6 ha diện tích toàn bộ hồ. Lộ trình nạo vét được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một nạo vét một nửa hồ phía phố Hàng Khay, giai đoạn hai nửa hồ còn lại phía đường đôi phố Đinh Tiên Hoàng. Trước khi nạo vét cá được dồn sang phía nửa hồ chưa nạo vét ( hoặc đã nạo vét xong).
Theo lãnh đạo Công ty Thoát nước để bảo đảm an toàn cho việc nạo vét, trước khi thi công, công ty đã phối hợp với Tiểu đoàn 554- Bộ tư lệnh Thủ Đô thực hiện việc rà phá bom mìn trong thời gian 20 ngày. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hệ sinh thái thủy vực hồ Hoàn Kiếm bao gồm thực vật nổi, động vật nổi, thực vật thủy sinh, vi sinh vật, động vật không xương sống, cá. Mật độ vi khuẩn nhóm Coliform, E,Coli rất cao. Kết quả khảo sát thành phần vi tảo hồ Hoàn Kiếm tháng 6-2017 cho thấy: có 59 loài vi tảo, chiếm ưu thế là vi khuẩn lam với 23 loài. Thành phần chủ yếu là những loài thường có trong các hồ tự nhiên và hồ nhân tạo khu vực đồng bằng Bắc bộ. Không gặp loại vi tảo đặc hữu hay quý hiếm trong thời gian khảo sát này. Thành phần loài động vật nổi có số lượng loài thấp (12 loài). Chỉ số đa dạng cho thấy đa dạng sinh học của hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm thuộc loại nghèo, chất lượng môi trường hồ thuộc loại rất ô nhiễm. Hầu hết các loài động vật đáy sống tập trung ở chân kè đền Ngọc Sơn . Các loài cá có nguồn gốc từ sông Hồng, các loài cá tự nhiên không còn tồn tại trên hồ nữa. Chỉ còn chủ yếu là các loài cá nhỏ, cá cảnh được người dân thả phóng sinh, các loài cá nuôi nhập nội được thả bổ sung vào hồ ngày càng chiếm ưu thế.
Đối với hệ vi tảo, tiến hành thu mẫu thực tại và thực hiện công tác định loại sâu hơn ở cấp độ dưới loài sử dụng các thiết bị hiện đại và chụp ảnh lưu giữ. Bên cạnh việc xác định theo hình thức lựa chọn, các xác định ADN một số taxon tảo lục đặc hữu nếu có xác định được và tiến hành lưu giữ nguồn gien. Sau khi cải tạo sẽ thiết lập môi trường thủy hóa phù hợp với các loài tảo lục đơn bào sẽ giúp tảo này phát triển trở lại, trả lại mầu xanh vốn có của hồ Hoàn Kiếm.
Phương án hạn chế ảnh hưởng đến hệ sinh thái do quá trình thi công là phân vùng nạo vét và triển khai nạo vét trong thời gian dài giúp ổn định lại đường bờ và hệ sinh thái được thích nghi dần dần với sự thay đổi cấu trúc đáy hồ, giảm tác động đến hệ sinh thái hồ. Thực hiện biện pháp khoanh vùng nhỏ trong quá trình múc bùn. Tất cả các hoạt động thi công chỉ được diễn ra trong ranh giới vùng thi công và dùng lưới quây dồn hệ thủy sinh vào vị trí riêng biệt cách xa khu vực thi công.
Công ty Thoát nước phối hợp Trung tâm nghiên cứu Đa dạng sinh học và Nguồn lợi thủy sản - Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I thực hiện ngăn lưới, cách ly động vật thủy sinh tại hồ Hoàn Kiếm. Lưới để dồn hệ thủy sinh bao gồm lưới quây và lưới kéo kích thước mắt lưới 4x4 mm, chiều cao lưới 2,5m. Phía trên có giềng phao, phía dưới có giềng chì và lưới thoát bùn cao 30cm.
Công ty thoát nước phối hợp Công ty CODECO - Trường đại học Mỏ Địa chất khoan thăm dò nước dưới đất sau đó xây dựng trạm khai thác, bổ cập nước cho hồ Hoàn Kiếm địa chỉ tại vị trí đầu đường Bà Triệu, phố Hàng Khay, Tràng Thi, Lê Thái Tổ. Thông qua sự hợp tác với Công ty Arktic nước sau khi hút từ giếng khoan sẽ được xử lý trước khi được bơm vào hồ. Đường kính giếng khoan D168, sâu 70m. Nước được lọc theo công nghệ của Công ty Nordich Water - Cộng hòa Liên bang Đức.
Công ty Thoát nước đã thực hiện nạo vét khoảng 57.400 m3 bùn theo phương án: Giữ nguyên mực nước không bơm cạn hồ, nạo vét toàn bộ lòng hồ đến cao độ +5.60m . Phạm vi nạo vét bảo đảm cách mép chân kè các công trình 7,0m. Dọn phế thải trong phạm vi từ mép chân kè ra ngoài 7,0m. Tổng diện tích lòng hồ nạo vét: 11,6 ha. Trong đó nạo vét cơ giới 57.400 m3. Nạo vét thủ công 2.533 m3. Xây dựng hệ thống khai thác và xử lý nước dưới đất phục vụ việc bổ cập nước cho hồ với công suất khai thác tối đa 360 m3/ ngày đêm.
Công ty Thoát nước sử dụng dây chuyền C2 cải tiến (máy xúc đặt trên ponton xúc bùn lên phễu đặt máy bơm bùn công suất từ 40 đến 60 m3/h để bơm bùn lên các xe téc qua hệ thống ống dẫn bùn nằm trên phao nổi). Bố trí hai mũi thi công , mỗi mũi sử dụng một dây chuyền C2 cải tiến, thi công song song từ hướng Nam lên hướng Bắc.
Công ty Thoát nước thu gom rác, phế thải chung quanh bờ bằng thủ công sau đó đưa lên xe trung chuyển và dùng xe thùng kín (xe bùn cống ngang) vận chuyển về bãi tập kết. Thời gian thi công thực hiện vào các đêm trong tuần (khoảng 39 giờ/tuần). Lớp bùn trong hồ dày từ 0,5 đến 1,6 m. Mực nước trên hồ trước khi nạo vét dao động trong khoảng 0,3 đến 0,9m. Theo khảo sát lớp bùn dày phân bố ở phía Đông (phố Đinh Tiên Hoàng), lớp mỏng hơn ở phía Nam (phố Hàng Khay)
Đóng góp ý kiến vào báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) GS Dương Đức Tiến cho rằng: Cần xem xét dưới góc độ bảo tồn, bảo đảm đa dạng sinh học (tính đặc hữu về đa dạng sinh học của hồ). Kết quả nghiên cứu năm 1959 của nhà bác học Hung-ga-ri đã chỉ ra, hồ Hoàn Kiếm trước đây khi có PH ở mức 5.5 - 6 có khoảng 33 loài đặc hữu, không có bất cứ hồ nào khác ở Việt Nam và cả thế giới. Hiện nay hồ Hoàn Kiếm chứa lượng tảo lam rất lớn cho nên việc cải tạo là cần thiết. Nước hồ Hoàn Kiếm hiện nay là một hồ có tính kiềm có pH 10.5 phù hợp cho sự phát triển của tảo lam. Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường rất chi tiết về mặt kỹ thuật nhưng phần đánh giá về tác động đến hệ sinh thái cần có một đơn vị chuyên môn sâu về sinh thái tham gia thực hiện.
Theo chúng tôi việc nạo vét hồ lần này có nhiều điểm không đúng với khuyến cáo của các nhà khoa học Việt Nam và Đức trong đợt nạo vét thí nghiệm năm 2009. Thứ nhất là dùng gầu máy để xúc bùn. Thứ hai là nạo vét ồ ạt, trong thời gian ngắn, không nạo vét từng ô theo kiểu xôi đỗ (phân hồ theo nhiều ô và nạo vét theo từng ô xa cách nhau). Dự kiến nạo vét trong 137 ngày, nhưng trên thực tế Công ty thoát nước chỉ thi công trong 63 ngày. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới hệ sinh thái bùn hồ Hoàn Kiếm. Theo yêu cầu đề ra cần để lại một lượng bùn ở đáy hồ > 10cm. Tuy vậy với việc nạo vét hồ bằng xe bánh xích có gầu xúc đặt trên phao nổi, người điều khiển khó mà thực hiện được thao tác múc bùn mà vẫn bảo đảm điều kiện lớp bùn đáy còn lại >10cm. Cũng theo yêu cầu đặt ra việc múc bùn chỉ thực hiện vào buổi tối tuy vậy trong khoảng một tháng cuối đợt nạo vét, Công ty Thoát nước đã cho thi công vào cả ban ngày. Trong quá trình thi công dầu thoát ra từ các máy xúc cho nên đã làm ô nhiễm mặt nước hồ. Công ty Thoát nước phải đặt các thảm bông để hút váng dầu. Thời gian đầu việc nạo vét bùn với khoảng cách 7m, từ bờ trở ra được thực hiện bằng thủ công, nhưng đến thời điểm cuối đợt Công ty Thoát nước điều xe gầu xúc vào thi công. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết cấu mái dốc bê-tông mà còn làm gãy nhiều cành cây. Cụ thể làm gãy cành cây mõ, giáp nhà vệ sinh công cộng; cành cây gạo đối diện Vườn hoa Lý Thái Tổ. Gãy cành cây trong quá trình thi công cũng có thể coi là bình thường, nhưng ở Hồ Gươm nếu là gãy cảnh cây là làm mất đi vĩnh viễn cảnh đẹp hồ do các nhà nhiếp ảnh không còn góc cảnh đẹp mà chụp. Rất may những chỗ cành bị gãy đó chúng tôi đã kịp chụp nhiều bức ảnh đẹp về các mùa trong năm, các buổi trong ngày. Chỉ thương các bạn đồng nghiệp không còn cơ hội để sáng tác ở những chỗ đó. Việc khảo sát môi trường nước trước, trong và sau nạo vét không được làm liên tục. Chưa có một đề tài nghiên cứu đủ tầm về việc duy trì mầu xanh cho hồ Hoàn Kiếm (hồ Lục Thủy). Theo thông tin chúng tôi biết các đơn vị nghiên cứu tham gia đợt nạo vét này chỉ thực hiện lấy các loại mẫu một lần, không thực hiện nhiều đợt, do vậy kết quả đưa ra về tính chất hóa, lý, nước và bùn, thành phần động thực vật, nhất là thành phần các loài tảo trong hồ không chính xác. Trong khi đó việc duy trì hệ thống phun nước tăng lượng ô-xi trong nước hồ lại để hơn nửa năm nay không dọn đi. Nhiều người nhìn dàn phun nước bảo Hồ Gươm như “ao nuôi tôm”. Đối với cánh thợ ảnh chúng tôi coi như năm nay “mất mùa” chẳng chụp được cái ảnh phong cảnh nào đẹp, bởi cứ hướng ống kính ra hồ là thấy hệ thống phun nước chằng chịt, phản cảm. Việc đặt hệ thống phun nước ở hồ quá lâu như vậy đã làm mất đi cảnh quan sâu lắng, tĩnh lặng của Hồ Gươm.
Sau khi hồ được nạo vét ai cũng thừa nhận là hồ trong và sạch hơn rất nhiều nhưng nước hồ đã mất mầu xanh. Hiện được có mầu xanh nhờ nhờ, không phải mầu xanh vốn có của hồ. Theo tiến sĩ tảo học Dương Đức Tiến trong hồ có khoảng 20 loại tảo, trong đó có rất nhiều loại tảo đặt hữu chỉ có ở Việt Nam. Việt nạo vét hồ đợt này chưa có những nghiên cứu khoa học thấu đáo.
Rất mong các cơ quan có trách nhiệm của TP Hà Nội xây dựng một chương trình nghiên cứu khôi phục và phát triển hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm nói chung và tảo hồ Hoàn Kiếm nói riêng, và để không gian Hồ Gươm lắng đọng, yên bình tránh việc đưa thêm các vật dụng, lạm dụng tổ chức các sự kiện nhất là các sự kiện quản bá cho doanh nghiệp, làm cho không gian hồ bị xáo trộn bởi âm thanh ầm ĩ, mầu sắc loang lổ…
Hà Hồng
Đánh giá bài viết