Hoàn thành việc tôn tạo đình Cổ Vũ Không rõ

[09/03/2008 01:23 | Phóng sự - Tản mạn | Nhận xét(0) | Đọc(6557) ]
   Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
hohoankiem.org
Ngày 31-1-2008, sau bốn tháng tu bổ, tôn tạo đình Cổ Vũ trên phố Hàng Gai đã có diện mạo mới. Trong nhiều năm trước, đình được dùng làm nhà trẻ. Công trình bị xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm sử dụng mà không tu bổ (có tài liệu ghi là đình, có tài liệu lại ghi đền Cổ Vũ ).

Highslide JS


Theo Nguyễn Vinh Phúc (Phố và Đường Hà Nội, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội 2004), dấu vết hai phường này là hai ngôi đình cổ: đình Đông Hà ở số nhà 46, thờ Quý Minh là một người con của Sơn Tinh có công chống Thuỷ Tinh và đình Cổ Vũ, ở số nhà 85. Đình thờ Bạch Mã cùng Linh Lang.

Highslide JS


Theo Việt điện U Linh thì thần Long Đỗ đã hiện ra trên không trung khi viên quan đô hộ Cao Biền ra chơi ở của Đông thành. Cao Biền sợ hãi đem đồng, đem sắt chôn ngay ở nơi ấy hòng trấn yểm. Nhưng đêm hôm đó sấm sét nổi lên làm tan tành mọi thứ bùa ấy. Cao Biền càng sợ, phải lập đền thờ ( khoảng từ năm 866 đến 875 ).

Truyền thuyết cũng kể lại rằng khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (1010 ), nhiều phen ông xây thành mà cứ bị lở. Ông cầu đảo và thế là một sáng chợt thấy có con ngựa trắng từ trong đền Long Đỗ đi ra, đi vòng quanh khu vực xây thành, đi đến đâu để lại dấu chân đến đó, rồi trở vào đền biến mất (nay là đền Bạch Mã ). Vua Lý cho người xây thành theo dấu chân ngựa và thành không lở nữa. Do vậy vua liền phong cho thần Long Đỗ làm thành hoàng kinh thành Thăng Long. Từ đó thần cũng có tên là Bạch Mã.

Highslide JS


Cũng theo truyền thuyết: Linh Lang là con thứ tư của Lý Thánh Tông, mẹ là Cảo Nương, người làng Bồng Lai, huyện Từ Liêm ( Nay thuộc huyện Đan Phượng, Hà Tây ) ngụ ở Thị Trại ( Trại Chợ ). Tuy là cung phi nhưng bà vẫn được về ở nhà riêng. Một lần Cảo Nương đi tắm ở hồ Tây bị rồng cuốn lấy người. Sau đó Cảo Nương có mang và sinh ra Linh Lang.

Khi quân Tống xâm lược nước ta, vua cho sứ đi cầu hiền. Linh Lang liền xin vua cấp cho một cỗ voi và một cây cờ hồng cán dài mười trượng để đi dẹp giặc. Được vua chấp thuận, Linh Lang cưỡi voi, cầm cờ ra trận và đại thắng. Vua muốn nhường ngôi nhưng chàng chối từ, trở về ở Trại Chợ. Ít lâu sau chàng bị bệnh đậu mùa rồi từ trần, hoá ra rồng đen đi xuống hồ Tây. Vua cho lập đền Voi Phục ( Thủ Lệ ) ngay ở nơi chành Linh Lang hoá rồng và phong thần.

Highslide JS


Hai đền nói trên nằm trong “Tứ trấn ” của kinh thành Thăng Long xưa (đình Kim Liên trấn phía Nam, đền Voi Phục trấn phía Tây, đền Bạch Mã trấn phía đông, đền Quán Thánh trấn phía bắc).

Đầu năm 2008, đến đình Cổ Vũ, sau khi đình vừa được tôn tạo xong, chúng tôi may mắn được gặp người gác đình đó là chị Nguyễn Thị Thành, con dâu nhà bà Trần Thị Nhận. Chị Thành hiện là tổ trưởng tổ 7 phường Hàng Gai.

Qua buổi nói chuyện với chị Thành chúng tôi được biết: đình Cổ Vũ được tôn tạo trong bốn tháng, với số tiền 1,8 tỷ đồng. Đơn vị chủ dự án cải tạo là UBNH Quận Hoàn Kiếm. Người dân trong phố đã đóng góp 85 triệu đồng để trang trí nội thất. Anh Lê Anh Tuấn chủ nhân mới của hai số nhà 109 và 111 Hàng Gai đã làm công đức một chiếc khánh bằng đồng trị giá hơn 10 triệu đồng.

Chị mời chúng tôi ngồi xuống ghế, vừa rót chén nước chè xanh nóng hôi hổi vừa cho xem những tài liệu hiếm hoi do các nhà khoa học Viện Hán nôm dịch từ những chiếc bia đá còn lại trong đình.

Hiện tại, trong đình Cổ Vũ còn nhiều bia đá ghi lại tên tuổi những người làm công đức. Thầy Trần Văn Đạt, giáo viên trường THPT Hà Nội - Amsterdam ở 68 Hàng Thiếc đã có bản dịch từ bia đá. Nội dung bản dịch: “Người dân ở hai xóm Đông Thượng và Đông Tự, phường Cổ Vũ, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên đã thống nhất mỗi xóm mua 19 thước ta và ba tấc đất cúng tiến cho việc xây dựng đình.

Năm thứ 39 triều vua Cảnh Hưng ( 1778 ). TS Đinh Khắc Thuận, Viện nghiên cứu Hán Nôm, đã dịch từ bia đá được khắc vào ngày 25-7-1936. Nội dung như sau: “Đình do vị tướng Trần Văn Chấn, vợ Trịnh Thị Huệ, tự nguyện cúng sáu thước đất phố do tổ tiên để lại ”

Qua bản dịch từ các tài liệu mà chị Nguyễn Thị Thành cung cấp, chúng tôi được biết đình Cổ Vũ ngoài việc thờ thần Bạch Mã, Linh Lang còn thờ Bảo Linh công chúa ( sinh năm 1042 mất vào ngày 4-6 năm Quý Tỵ (1113), tự Ngọc Kiều, huý Bảo Ninh).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Năm Quý Tỵ ( 1113 ), mùa hạ, tháng 6, phu nhân của châu mục châu Chân Đăng là công chúa họ Lý mất ( phu nhân tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Cần Vương, được vua Thánh Tông nuôi ở trong cung, lớn lên phong làm công chúa, gả cho châu mục châu Chân Đăng là người họ Lê. Chồng chết phu nhân tự thề ở goá, đến đây thì mất, thọ 72 tuổi. Thần Tông tôn làm Ni sư.

Bà Bảo Ninh cùng chồng giữ yên vùng biên giới tổ quốc trong nhiều năm. Bà đi tu và mất tại đình Cổ Vũ, nay còn giữ được hai bản sắc phong.

Chị Thành không giấu nổi sự phấn khởi khi cho chúng tôi biết: từ lúc đình trở lại hoạt động đến nay chính quyền quận và phường đã giao việc trông nom đình cho người dân trong phố tự quản. Bà con trong phố đã phân công nhau thường xuyên hương khói, bảo vệ đình và đón khách thập phương đến đình Cổ Vũ./.
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 361 đã được: 2.8/10 (14 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share