Lạc vào "bữa tiệc" sắc màu của Hồ Gươm Không rõ

[25/10/2015 00:06 | Những người Bạn | Nhận xét(0) | Đọc(5043) ]
   Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
hohoankiem.org

Cứ mỗi khi rảnh rỗi, nhà báo Hà Hồng, Trưởng ban Khoa giáo của báo Nhân Dân lại bách bộ bên hồ, ghi lại những khoảnh khắc thời gian và những câu chuyện bằng hình ảnh. Chính vì vậy, một triển lãm chỉ vẻn vẹn có 12 bức ảnh của anh lại là tâm điểm, thu hút hàng nghìn lượt người tới thưởng lãm. Tại đây, người xem không chỉ ngỡ ngàng vì sự kì ảo của Hồ Gươm qua ống kính của Hà Hồng mà còn nhìn thấy trong ảnh của anh có những tứ thơ, sắc thái tâm linh cuốn hút đến kỳ lạ.


Quê ở Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhà báo Hà Hồng hiện là Trưởng ban Khoa Giáo của Báo Nhân Dân, đồng thời là Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Báo Nhân Dân. Với tình yêu Hà Nội nói chung, hồ Hoàn Kiếm nói riêng, năm 2006 nhà báo Hà Hồng lập trang thông tin điện tử về Hồ Hoàn Kiếm (địa chỉ: www. hohoankiem.org). Từ đó đến nay, trên trang thông tin điện tử này đã đăng hơn một nghìn tin, bài và hơn năm nghìn bức ảnh cho chính nhà báo Hà Hồng thực hiện. Thông qua trang thông tin điện tử của mình, nhà báo Hà Hồng kể những câu chuyện về Người Hà Nội ở hồ Hoàn Kiếm và giới thiệu những bức ảnh đẹp về cảnh sắc nơi đây.

Mỗi lần gặp Hà Hồng, tôi lại thấy anh say sưa kể về Hồ Hoàn Kiếm, những câu chuyện rất đời thưởng, những khoảnh khắc vụt qua đã được anh ghi lại bằng hình ảnh. Đi đến đâu anh lại ghi lại các câu chuyện, ghi lại những hình ảnh của Hồ Hoàn Kiếm và tự nhủ: có khi những câu chuyện quanh hồ cũng đủ để mình viết thành cuốn sách kể cho mọi người nghe sau này. Hà Hồng lao vào “yêu” Hồ Hoàn Kiếm với niềm đam mê và nhiệt huyết tràn trề, từ tình yêu đơn thuần về một cái hồ đẹp và lãng mạn của Thủ đô, anh dồn tâm sức tìm hiểu nó, nghiên cứu nó, đọc sách về nó, lang thang để cảm nhận nó, viết về nó… Đã có hàng nghìn tin, bài về những sự kiện và vấn đề xung quanh Hồ Gươm đã được anh ghi lại. Cùng với đó là sự say mê nhiếp ảnh, hàng nghìn, hàng vạn bức ảnh về Hồ Gươm đã được Hà Hồng lưu lại trong kho tư liệu www.hohoankiem. org, để cùng chia sẻ với tất cả những ai đang và sẽ yêu Hồ Gươm khi “dạo” qua trang thông tin điện tử này. Anh chia sẻ với tôi: Hồ Hoàn Kiếm là một trong “sơn hà tứ huyệt” (Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Lục đầu giang và Chùa Hương) mà theo các nhà phong thủy học thì là nơi tinh túy, là đất thiêng, là vùng địa linh nhân kiệt, nơi kết tinh văn hóa không phải ở đâu cũng có. Đó là lý do mà tại cái hồ nhỏ bé ấy chỉ một loài rùa tai đỏ hay một chấm tảo nở bung là cả nước lại “nháo nhác” lên lo lắng, quan tâm…Chỉ cần nhìn cuộc sống quanh hồ, nhìn chuyển động quanh hồ, phủi đi lớp bụi thời gian, bóc tách sự việc bình thường sẽ luôn tìm thấy cái mới của Hồ Hoàn Kiếm”. Đây cũng là lý do mỗi khi thoát công việc, ngày nào anh cũng đi bộ quanh hồ, cũng tìm thấy cái mới của hồ. Ra với hồ, anh thấy khung cảnh và cuộc sống ở đây như một kịch bản, một bộ phim trường kỳ không có hồi kết, mỗi tấc đất là một kho chuyện đầy lôi cuốn. Cứ lọ mọ như thế, Hà Hồng tự hào sau này với những thông tin của mình, với kho ảnh của mình, anh sẽ dựng được cuộc sống sinh động về Hồ Hoàn Kiếm, về một phần của Hà Nội, để mọi người xem sẽ thấy thỏa mãn với những thông tin của anh.

Đam mê lớn nhất của anh hiện nay là có một bảo tàng kỷ vật về Hồ Hoàn Kiếm hay đơn giản là với cá nhân anh chỉ cần mở một quán café bên hồ. Ở đó sẽ có những bức ảnh đẹp nhất về Hồ Hoàn Kiếm mà anh chụp, có video đăng tải toàn bộ clip, phóng sự về Hồ Hoàn Kiếm mà anh đã dày công ghi lại, có bảo tàng kỷ vật của những nhân vật trong câu chuyện của anh, có những món ăn ngon đặc trưng của Hà Nội do những cô gái yếm đào áo lụa mời khách, ở đó có cafe Giảng được pha bằng chiếc phin to sụ và thô sơ thời bao cấp (một trong những kỷ vật anh được chính con gái cụ Giảng tặng)… để người đến không chỉ được ăn ngon mà còn “bội thực” về văn hóa người Hà Nội, nơi mà mọi người biết được rằng Hà Nội địa linh nhân kiệt như thế nào, thiêng thế nào, quý thế nào - thay vì chỉ đến ngó nghiêng hay tra về lịch sử Hà Nội trên google.

Anh vẫn tiếp tục gắn bó với Hồ Hoàn Kiếm, năm nào mừng sinh nhật www.hohoankiem.org (22/1) anh cũng làm một cuốn sách với hơn 100 bài viết kèm mỗi bài 4 ảnh về những sự kiện trong năm mà anh ghi lại được. Đây là phần anh tự thưởng cho mình, nói cách khác, anh vật chất hóa công việc của mình trong một năm gắn với Hồ Hoàn Kiếm để khoe với người thân và bạn bè. Anh khoe với tôi, từ ngày “gắn” với Hồ Hoàn Kiếm, anh có hẳn một đội quân “vệ tinh” riêng, có hẳn một đường dây nóng, hễ có sự kiện gì lại điện thoại báo ngay với anh: “anh ơi, cụ Rùa nổi đấy!” “anh ơi chỗ này chỗ kia có chuyện…”. Có lúc, anh thấy mình như ông bảo vệ hồ bất đắc dĩ, “sướng thật!” – anh cười hào hứng. Yêu đến mức, thao thao nói về Hồ Hoàn Kiếm hàng tiếng đồng hồ cùng tôi mà anh không mệt mỏi, anh bày tỏ rằng “giờ tôi thấy ai mê Hồ Hoàn Kiếm hơn là tôi ghen với người đó” – anh bảo đây một sự ghen tuông lành mạnh, bởi vì ghen, anh lại càng tìm hiểu về Hồ Hoàn Kiếm nhiều hơn, để thấy mình phải là người yêu Hồ Hoàn Kiếm nhất…

Lần này, khi anh thông báo sẽ mở một triển lãm ảnh về Hồ Hoàn Kiếm, tôi khá bất ngờ trước thông tin này. Và lúc đến thăm triển lãm ảnh Sắc mầu Hồ Gươm của anh, tôi lại tiếp tục “choáng ngợp” trước độ “ngông” của anh khi dám tổ chức một buổi triển lãm ảnh về Hồ Gươm mà lại vẻn vẹn có 12 bức ảnh. Ngắm những bức ảnh, nghe anh bày tỏ niềm đam mê, tình yêu của mình với Hồ Hoàn Kiếm, tôi lại thêm một lần cảm nhận được về con người và các tác phẩm của anh. Nếu nói về Hồ Gươm thì đến nay phải có hàng vạn bức ảnh đã tham gia dự thi của các nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Thậm chí có nhiều bức ảnh đẹp xứng đáng với tên gọi “Hồ Gươm – lẵng hoa giữa lòng thành phố”. Nhưng ảnh của Hà Hồng vẫn mang một sắc thái rất riêng. Tôi khâm phục ý tưởng sáng tác của Hà Hồng. Tôi bị cuốn hút bởi những bức ảnh về Hồ Gươm của anh. Hiếm có ai có sự lao động bền bỉ như anh để tạo ra những tác phảm ảnh nghệ thuật cuốn hút như vậy. 12 tác phẩm ảnh được chọn lọc từ hơn hàng nghìn bức ảnh trong tư liệu của anh theo một nội dung mang tính chủ đề cao rất thơ và tâm linh về một Thăng Long-Rồng bay, Triển lãm ảnh “Sắc mầu Hồ Gươm” đã khẳng định hướng sáng tác của anh. Những bức ảnh như “Mây vẩy rồng”, “Rồng chầu-1000 năm”, “Rồng trên mặt nước Hồ Gươm” nằm trong nhóm ảnh gửi gắm ý tưởng về một Thăng Long- Rồng bay, về một Hồ Gươm gắn với nghìn năm Thăng Long. Đám mây vẩy rồng hiện lên trên bầu trời Hồ Gươm, được khắc họa trong sắc thu vàng. Hay “Rồng chầu-1000 năm” có áng mây như “Rồng chầu” là những khoảnh khắc Hà Hồng đã thể hiện tư duy hết sức sâu sắc. Đó cũng là điều anh muốn gửi gắm tới người xem. Hay như việc Hà Hồng đã “chộp” được những khúc khải hoàn của Hồ Gươm cho thấy vẻ đẹp bất tận đầy gợi cảm và quyến rũ của Hồ Gươm khi sáng tác. “Chữ Xuân trong tiết xuân Hồ Gươm” là một trong những tuyệt tác của Hà Hồng. Anh đã khắc họa trong khuôn viên của bức ảnh một cành cây khô ven Hồ mang nét chữ Xuân với không khí Xuân đậu trên cành thể hiện qua những giọt sương và khung cảnh xuân chung quanh Hồ Gươm. Khi nhìn bức ảnh này, thậm chí ông Đặng Đình An, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội cũng phải thốt lên: “Không thể có ảnh nào Hồ Gươm trong Xuân đẹp hơn, sâu sắc hơn ảnh của Hà Hồng”. Anh cũng có cái nhìn hết sức tinh tế khi thể hiện bức ảnh “Muồng hoàng yến khoe sắc bên hồ”. Thật gợi cảm với áng hoa vàng và cỏ vàng bên Tháp Rùa. Búc ảnh đã được nâng lên tầm khắc họa cao. Áng thơ có trong những bức ảnh của anh chính là vậy. Qua mỗi bức ảnh của Hà Hồng, người xem có cảm giác như chiêm ngưỡng một bức họa, với màu sắc tưởng hữu ý mà hoàn toàn tự nhiên, với tầng tầng tư duy được nén đầy trong khuôn hình.

Hà Hồng tự nhận mình “hơi khùng”, yêu đắm đuối và cần mẫn với Hồ Gươm suốt bao nhiêu năm qua. Anh tâm sự thật, rằng rất ghen với ai yêu và biết nhiều về Hồ Gươm hơn mình, hoặc chụp ảnh về Hồ Gươm đẹp hơn mình. Cái sự ghen ấy không phải để ghét người ta, mà thôi thúc anh tìm tòi, khám phá sâu hơn, say sưa hơn với những cuộc săn lùng khoảnh khắc, góc máy “độc nhất vô nhị” về Hồ Gươm, tham lam tìm hiểu kiến thức từ cổ chí kim về “trái tim của Thủ đô”.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn bộ 12 bức ảnh trong triển lãm ảnh Sắc mầu Hồ Gươm của Hà Hồng, hy vọng sẽ mang đến cho người xem những góc nhìn tinh tế, những màu sắc lung linh, huyền ảo của Hồ Gươm vào những khoảnh khắc không gian, thời gian giao mùa hay bất chợt…

NGUYÊN VY
Nguồn:


Thu vấn vương (Chụp tháng 11-2013).

Muồng hoàng yến khoe sắc bên hồ (Chụp tháng 5-2015).

Lộc vừng mùa thay lá (Chụp tháng 3-2008).

Khúc biến tấu (Chụp tháng 1-2015).

Chữ xuân (春) trong tiết xuân hồ Gươm (Chụp tháng 3-2014).

Chiều vàng (Chụp tháng 2-2015).

Rồng trên mặt nước hồ Gươm (Chụp tháng 1-2008).

Xuân hồng (Chụp tháng 3-2015).

Mây vẩy rồng (Chụp tháng 5-2015).

Rồng chầu-1000 năm (Chụp tháng 5-2014).

Cây đa cổ thụ trong khuôn viên Báo Nhân Dân (Chụp tháng 5-2010).

“Lẵng hoa giữa lòng thành phố” (Chụp tháng 5-2008).

hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 745 đã được: 4.2/10 (19 Đánh giá)


Bài viết liên quan Bài viết ngẫu nhiên
Một kỷ niệm làm báo của bố tôi
Nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng xuất thân từ đứa trẻ bán khoai lang, vé số
Được tặng ảnh chân dung
Bản thảo truyện ngắn Rùa Hồ Gươm
Trong hai ngày 3 và 4-4-2024, hai đoàn đến thăm Không gian Văn hóa Hồ Gươm
Không gian văn hóa Hồ Gươm được tặng mẫu vật quý
Người gắn bó với Hồ Gươm nhiều năm
Món quà đầu năm
Hai niềm vui trong một buổi chiều.
Dịp tổng hợp lại các tri thức về Hồ Gươm
Nhà kèn lại vang tiếng kè...
Cụ Rùa nổi vào ngày đầu t...
Cây đa - Nét dân dã giữa ...
Triển lãm Sắc màu Hồ Gươm
Hàng chục máy ATM rò điện...
Cuối năm 2017 có duyên vớ...
Bắn chim bằng súng phốc
Chỉ còn lại một cây vông ...
Hồ Hoàn Kiếm - Kỷ niệm ri...
Độc đáo "Sắc mầu Hồ ...
Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share