Báo Nhân Dân nằm trên phố Hàng Trống, một con phố nằm ở trung tâm Thủ đô. Theo sách “Phố và đường Hà Nội” (NXB Giao thông vận tải – năm 2004) của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, phố Hàng Trống dài 396 mét, cắt phố Hàng Gai và phố Lê Thái Tổ. Phố nằm trên đất của nhiều thôn xóm cũ: đoạn giáp phố Hàng Gai là đất thôn Cổ Vũ, đoạn giữa là thôn Khánh Thụy Hữu và đoạn cuối là thôn Tự Tháp. Tất cả các thôn này đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ. Trước đây người dân ở phố Hàng Trống làm nhiều nghề, như: làm trống, làm lọng, vẽ tranh, những nghề này tập trung ở đầu phố và giữa phố, còn đoạn cuối phố là khu ở và cửa hàng của những người làm nghề thêu, quê ở vùng Quất Động, Hướng Dương (thuộc huyện Thường Tín), bởi thế đoạn phố này có tên là phố Hàng Thêu. Ca dao Hà Nội thời đó  có câu:

Người đài các, kẻ thanh tao
Qua Hàng Thợ Tiện lại vào Hàng Gai
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài…

Làm việc ở con phố này hàng chục năm, chúng tôi đã sưu tầm nhiều câu chuyện về phố Hàng Trống. Phố Hàng Trống hiện còn hai ngôi đền cổ. Ở giữa phố, số nhà 82, là đền Đông Hương còn gọi là đền Hàng Trống. Đền thờ một đào nương. Có hai cách kể về lai lịch người ả đào này. Theo Nguyễn Vinh Phúc, cách thứ nhất kể rằng đây là một cô gái tài sắc vẹn toàn, nhất là lại có giọng hát tuyệt diệu. Nhưng chính giọng hát này đã khiến cô mang họa: quan lại đã bắt cô đem nộp vào phủ chúa Trịnh làm con hát. Chúa Trịnh say mê giọng hát của cô. Thế là vương phi nổi cơn ghen, đang đêm phục rượu cho cô say mê rồi sai lính đem chôn sống. Bị oan khuất, cô “hiển thánh” bắt mụ vợ chúa Trịnh đó đền tội. Và ngôi đền chật hẹp ở phố Hàng Trống chính là làm trên nấm mồ người bạc mệnh.

Buổi lễ gắn biển di tích Cách mạng tại Báo Nhân Dân ngày 11-4-2006. Ảnh Hà Hồng

 

Cách thứ hai kể khác hẳn: đây là một đào nương đã có công dụ một toán lính xâm lược nhà Minh chui vào bao tải tránh muỗi để rồi ném tất cả xuống sông. Vì vậy vua Lê Thái Tổ đã cho dựng đền thờ để ghi công. Bức hoành phi treo trên cửa đền với bốn chữ “Khiển Thiên chi muội” có nghĩa là “Ví như em gái Trời”, cũng là có ý ca ngợi người đào nương này.

Còn ở cuối phố, số nhà 75 là đình Nam Hương, chủ yếu thờ thần Bạch Mã và Linh Lang.

Theo Hồi ký của vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên, gia đình của ông đã từng ở tại số 1 phố Hàng Trống, do cụ tổ là cử nhân Dưỡng Am Phạm Hội, một thầy nho nổi tiếng đất kinh kỳ để lại cho con cháu. Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có thời kỳ ở trọ tại một ngôi nhà trên phố Hàng Trống cho nên biết nhiều chuyện ở phố này. Nhà văn biết thi sĩ Vân Đài, một “hồng nhan phố Hàng Trống”. Nguyễn Công Hoan nói với một người bạn: “Con Minh (tên thật nhà thơ Vân Đài là Đào Thị Minh) và hai em gái của nó đẹp nhất phố Hàng Trống, nhất cả Hà Nội cũng nên. Đuôi (tóc) chúng nó dài lắm. Tớ có xếp hàng thì cũng phải đứng loại ngoài rìa hàng tá, ăn thua… gì (ý nói có yêu Vân Đài). Chẳng biết duyên số thế nào mà người con gái đẹp nhất Hà Nội “cũng nên” ấy lại yêu một chàng sinh viên quê ở Trà Vinh ra Hà Nội học trường thuốc. Rồi nàng bỏ nhà theo chàng vào nam. Trước việc làm đó của Vân Đài, gia đình đã từ bỏ đứa con mà họ cho là bất hiếu.

Vân Đài làm thơ từ nhỏ, là một trong 46 thi nhân được Hoài Thanh và Hoài Chân tinh tuyển trong tập “Thi nhân Việt Nam”  xuất bản năm 1942.

Trước khi có nhà ăn ở tầng 7, buổi trưa phóng viên của báo thường đến quán cơm số nhà 86 của bà Bàng (đối diện phố Báo Khánh) để ăn. Quán có một phòng nhỏ bên trong và tận dụng hành lang đi chung của số nhà để làm quán ăn. Nói chuyện với bà Bàng tôi và anh Văn Lục (nguyên Trưởng Ban Quốc tế) được biết bên trong sân của cả khu nhà có một cái giếng nước. Hiện nay giếng vẫn còn dùng được, các hộ dân trong khu bơm nước lên để giặt, không dùng làm nước ăn như trước đây nữa.

Bà Bàng kể: Năm 2006 có một Việt kiều Pháp tìm đến đây. Ông ta tự xưng là con bà chủ ngôi nhà này thời Pháp thuộc. Mẹ ông chính là người thuê thợ về đào chiếc giếng này. Hiện bà còn sống, nhưng do tuổi cao sức yếu bà không trở lại được Việt Nam.

Sau khi ăn cơm trưa xong chúng tôi thường hay sang uống nước trà, nhân trần ở quán bà Cẩn (số nhà 90).

Bà Cẩn bán nước chè có thâm niêm hằng chục năm. Do vậy bà là kho chuyện về tình yêu của phóng viên Báo Nhân Dân. Bà kể vanh vách chuyện tình của phóng viên từng công tác ở 71 Hàng Trống thời những năm 70, 80 của thế kỷ trước.

Chồng bà Cẩn có một hiệu sách rất to, sau bị thực dân Pháp đốt vì chúng phát hiện có sách viết về Các Mác, Ăng-ghen. Hồi trẻ khi đi tiếp tế cho Việt Minh, bà Cẩn bị giặc Pháp bắt ở Vân Đình. Không khai thác được ở bà thông tin gì chúng phải thả bà sau một tuần giam giữ.
Bà ra đi ở tuổi 96. Khi biết bà mất, mấy anh em chúng tôi, những người hay uống nước ở quán của bà, cũng vào nhà trong thắp nén hương tưởng nhớ bà Cẩn, người cuối cùng ở phố Hàng Trống ăn trầu.

Từ chiến khu Việt Bắc, sau ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), Báo Nhân Dân chuyển về Hà Nội. Lúc đầu báo đóng trụ sở tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương quân đội 108), sau đó, được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định và được sự đồng ý của Ủy ban hành chính TP Hà Nội, Báo Nhân Dân chuyển trụ sở về số 71 Hàng Trống. Trước đó, năm 1884 một người Pháp gốc Đức là Wehrung (Vai-rung) đã xây một ngôi nhà lớn ở chỗ nay là trụ sở báo Nhân Dân làm cửa hàng bách hóa. Tới năm 1887 Wehrung bán ngôi nhà này cho Ngân hàng Đông Dương làm trụ sở. Năm 1895, ngân hàng này chuyển về bên kia hồ Gươm. Tòa nhà cũ ở phố Hàng Trống được nhượng cho Nha Tài chính. Đến năm 1926, Nha này xây trụ sở mới ở chỗ nay là Bộ Ngoại giao thì nhà hàng Wehrung trở thành tư dinh của viên Phó toàn quyền (chính ra đây là chức vụ Tổng thư ký Chính phủ Đông Dương, song vì chỉ đứng sau có Toàn quyền nên dân ta gọi là Phó toàn quyền).

Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố Hàng Trống là nơi đã diễn ra những trận đánh đặc sắc của chiến sĩ ta. Trong “Hà Nội 60 ngày khói lửa” Trung tướng Vương Thừa Vũ có kể: “Ngay sau đêm nổ súng 19-12-1946, tự vệ ta đã tập kích vào nhà tên Moóc-li-e, tướng Pháp đầu sở chỉ huy cuộc xâm lược, đóng ở số nhà 71 (nay là trụ sở Báo Nhân Dân). Khi quân ta vượt qua được cổng thì súng máy lại bị tắc. Nhân đó Moóc-li-e lên xe chạy trốn. Tự vệ ném lựu đạn theo. Đến quả thứ năm mới nổ. Xe đã chạy xa, tuy vậy một tên Pháp cao cấp ngồi cạnh Moóc-li-e đã bị thương”.

Ngày 11-4-2006, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Trống phối hợp Bộ Biên tập Báo Nhân Dân tổ chức lễ đón nhận và gắn biển di tích lịch sử - cách mạng kháng chiến tại Trụ sở Báo Nhân Dân, số 71 phố Hàng Trống.

Ngôi nhà 73 phố Hàng Trống (chụp tháng 5-2009). Ảnh: Hà Hồng

Vào những năm 2000, cuối phố Báo Khánh có một hiệu phô-tô của anh Xuân Hải. Do phóng viên của Báo Nhân Dân chưa có máy tính cá nhân, cho nên chúng tôi thường sang đó để thuê đánh bài và sao chụp tài liệu. Có lần đến đây in tài liệu, chúng tôi nhìn thấy bức ảnh đen trắng chụp hai người đàn ông ngồi trước Tháp Bút (cổng đền Ngọc Sơn). Anh Hải chủ cửa hàng phô-tô cho chúng tôi biết, một trong hai người trong ảnh là ông Lương Xuân Quảng, bố của anh Xuân Hải, chủ ngôi nhà số 77 phố Hàng Trống. (Hiện nay ngôi nhà đã được giải tỏa để làm cổng vào đình Nam Hương). Anh Hải kể trong thời kỳ Hà Nội tạm chiếm đây là cửa hàng may đồ đầm có tên là Cường Phát. Cửa hàng này là vỏ bọc để ông Quảng tiện bề liên lạc với cách mạng, với kháng chiến. Nơi đây là hòm thư mật “Trần Phú”, biệt hiệu “Sông Hồng” thuộc đội Quang Trung, Công an thành phố Hà Nội. Tại đây ông Lương Xuân Quảng chỉ đạo đường dây giao liên chuyển thư từ điện báo, điện tín của ủy ban từ ngoài vào và ngược lại.

Anh Hải kể cho chúng tôi một chiến công của Công an Hà Nội có điểm xuất phát tại đây. Hồi đó là tháng mười năm 1949, hai chiến sĩ công an mật phục tại ngôi nhà 77 Hàng Trống là Trần Quang Ngọ và Nguyễn Đắc Chi (sau này là Phó Giám đốc Công an quận Hai Bà Trưng). Nhiệm vụ của hai chiến sĩ là tuyên án tử hình tên lý trưởng khét tiếng Lý Thái tại phố Cầu Gỗ, Hà Nội.

Hai anh đến gần trụ sở nơi Lý Thái làm việc, rồi ăn sáng như nhiều người khác. Khi thấy Lý Thái đến, một người đi vào vờ xin giấy chứng thực, một người ở ngoài cảnh giới. Vừa lúc Lý Thái chuẩn bị ký vào giấy chứng thực các anh đã rút súng, khống chế bọn thuộc hạ. Sau khi vạch rõ tội ác của tên lý trưởng, các anh thi hành án tử hình. Xong việc hai chiến sĩ công an rút về ngôi nhà 77 phố Hàng Trống.

Trước đó các anh còn ung dung rửa tay tại máy nước công cộng ở ngã ba phố Báo Khánh và ngõ Báo Khánh. Sau khi thay quần áo, đi xuống phố Bạch Mai, ông Trần Quang Ngọ bị mật thám bắt. Ông bị tòa đại hình Pháp xử án chung thân rồi đày đi Côn Đảo.

Sau khi ông Ngọ bị bắt, cơ sở cách mạng ở 77 Hàng Trống bị lộ. Ông Quảng chủ hiệu may bị bắt, bị tra tấn dã man tại nhà tù Thanh Liệt. Đến năm 1953 được thả rồi bị quản thúc tại bốt Hàng Trống cho đến ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954.

Kể từ ngày 1-9-2016, các phố chung quanh hồ Hoàn Kiếm trở thành phố đi bộ (từ 7 giờ tối thứ sáu đến 24 giờ chủ nhật hằng tuần) do vậy phố Hàng Trống luôn trong tình trạng quá tải. Nhưng dù sao cũng may cho cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân là có đường cho ô-tô, xe máy đi không bị cấm như các phố khác.

HÀ HỒNG

hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 999 đã được: 2.0/10 (1 Đánh giá)


Bài viết liên quan Bài viết ngẫu nhiên
Hồ Gươm, 22-3-2024
Vật lưu niệm: Rùa Hồ Gươm, Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc
Người Hà Nội yêu cây, yêu Hồ Gươm là thế!
Ngụm nước mát giữa trời nóng
Mát thì có mát nhưng...
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Ước vọng về một cuộc sống hòa bình
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Tháp Bút
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Chuông Nhà thờ Lớn
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Đình Trấn Ba
Tọa đàm "Góc Nhìn Th...
Hà Nội lại vội
Hoa hậu thân thiện Dương ...
Tảo lam xuất hiện ngày cà...
Thử tải hệ thống hút bùn ...
"Cảm xúc Trường Sa&q...
Video Chào xuân 2012 - Ch...
Em còn nhớ một đêm mưa nh...
Cây si đổ làm vỡ kính ô-t...
Cấp cứu kịp thời một khác...
Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share