» Vị trí : Đang xem tin
Chuyên mục: Chuyện bên hồ
Tôi đi cắt tóc sau giãn cách
Cập nhật: 3-10-2021 | Đã xem: 1971

Sáu giờ sáng, 21/9/2021, Hà Nội nới lỏng một số quy định sau đợt giãn cách phòng chống dịch Covid -19 lần thứ tư. Trong đó có việc người dân ra đường không cần phải xuất trình giấy đi đường và được đi cắt tóc, gội đầu.

Tối 20/9/2021, như mọi ngày tôi lại bật ti - vi để biết không chỉ tin tức, thời sự trong và ngoài nước mà còn để biết thông tin từ thành phố Hà Nội xem sau sáu giờ sáng mai 21/9/2021 (kết thúc đợt giãn cách thứ tư) có những quy định nới lỏng nào? Có được đi cắt tóc, gội đầu không? Bởi đó là điều quan tâm của nhiều người đàn ông sau hơn một tháng chưa ra khỏi nhà. Gần hết chương trình thời sự, biên tập viên thông báo, trong đêm nay Thành phố Hà Nội mới ra thông báo chính thức. Đúng là “Hà Nội không vội được đâu”.

Sáng sớm, lướt trên báo mạng, chúng tôi được biết tối 20/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký, ban hành Chỉ thị 22/CT-UBND về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới với việc cho phép các cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi - ni, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn… Trong đó, dịch vụ được rất đông người dân chờ đợi là hiệu cắt tóc, gội đầu được đã được phép hoạt động trở lại. Sau khi biết tin cánh đàn ông trong ngõ tôi í ới rủ nhau đi cắt tóc, gội đầu từ sáng sớm.

Tôi đến điểm cắt tóc tại số 4 phố Tràng Thi. Bên ngoài số nhà, xe máy đỗ chật cứng trên vỉa hè, bên trong hai hiệu cắt tóc đã đông người. Hai hiệu cắt tóc này mới hình thành vào giữa năm 2020, sau khi hiệu cắt tóc “mậu dịch” cuối cùng của Hà Nội ở số 6 phố Tràng Thi bị giải tán. Sáu thợ cắt tóc ở hai hiệu cắt tóc này đều là thợ cắt tóc từ hiệu số 6 phố Tràng Thi (mỗi hiệu ba người).

Ngồi chờ một lúc, chị Huệ mời tôi ngồi vào ghế cắt tóc. “Cắt vừa anh nhé” câu nói quyen thuộc của chị Huệ mỗi lần gặp khách đứng tuổi như chúng tôi. Thói quen thành “đặc sản” của thợ cắt tóc ở đây đó là vừa cắt tóc vừa nói chuyện thời sự với khách. Câu chuyện thời sự lần này của chúng tôi là vấn đề thu nhập, việc làm, tiền thuê nhà trong đợt giãn cách vừa qua.

- Thật sự khó khăn anh à.
- Chị Huệ mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Hơn tháng nay không được mở cửa cho nên những người thợ cắt tóc không có việc làm. Đã thế tiền thuê nhà vẫn phải đóng 30 triệu cho ba tháng (may mà chủ nhà thương tình giảm cho hai triệu trong ba tháng thuê nhà). Hồi còn bên số 6  phố Tràng Thi, mười thợ cắt tóc thực hiện khoán sản phẩm với công ty. Mỗi tháng nộp 17 triệu, bù lại mỗi người được nhận lương mỗi tháng 7 triệu đồng. Tháng nào không đủ doanh thu thì anh em phải đóng bù vào mới được nhận đủ lương. Mấy tháng đầu sang thuê cơ sở mới thu nhập của thợ cũng tạm đủ.

Khi giải tán hiệu cắt tóc, trong mười người thợ thì bốn người về nghỉ và mở điểm cắt tóc tại nhà. Sáu người còn lại thống nhất thuê hai hộ trong số nhà 4 phố Tràng Thi để làm cửa hiệu cắt tóc. Mỗi cửa hiệu có ba người. Ông Đào Xuân Tân nguyên tổ trưởng, khi về hưu (trước khi hiệu cắt tóc giải tán) đã thuê một góc mặt bên ngoài số nhà làm chỗ cắt tóc, nay có thêm một ghế ở cửa hiệu nằm sâu bên trong.

Để không gây mất đoàn kết hai hiệu cắt tóc thống nhất, khách lần này vào hiệu này thì khách sau vào hiệu còn lại mà không cần phải mời chào như ngày đầu mới đến thuê. Tuy giá cắt tóc, gội đầu vẫn là 90 đồng một người như hồi trước (nhưng thái độ chăm sóc khách hàng chu đáo hơn trước). Thợ cắt tóc ở đây vẫn mặc áo bờ -lu trắng như cửa hiệu số 6 Tràng Thi trước kia. Do khách đông cho nên người nhà tự gội cho nhau khỏi phải chờ lâu. Ngày trước khi đến cắt tóc, trong lúc  phải ngồi chờ đến lượt thì khách hàng xem báo, tạp chí, họa báo, nay không thấy. Có lẽ do không gian chật và thời đại báo mạng lên ngôi cho nên không có báo và tạp chí đóng thành tập để ở chỗ khách ngồi chờ như trước. Khi cắt tóc não người thợ được “chia làm đôi”, một nửa được dùng để nói chuyện với khách một nửa để cắt tóc. Tùy theo khách mà lúc họ tông – đơ, lúc dùng kéo, dùng hai ngón tay kẹp tóc, tỉa thưa, tỉa mỏng, bấm, cạo bằng lưỡi dao lam bẻ đôi, có sát trùng bằng cồn. Người thợ giỏi là người nhớ gu từng khách hàng, biết tỉa tóc, rẽ ngôi phù hợp; căn cứ vào loại tóc, mềm hay cứng, khô hay ướt và hình dáng khuôn mặt khách, dài hay tròn, gầy hay béo, mà dùng kéo hay dùng tông đơ, kết hợp cả hai để cắt tóc. Người tóc cứng muốn để ngôi không nên cắt tóc ngắn quá, dễ dựng ngược lởm chởm...

Nói đến hiệu cắt tóc số 6 Tràng Thi nhiều người lầm tưởng nó có từ năm 1957 hay lâu hơn nữa, nhưng theo ông tổ trưởng Đào Xuân Tân: Cửa hàng cắt tóc nam số 6 Tràng Thi mới có từ năm 1979 chứ không phải từ năm 1957. Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, chung quanh Bờ Hồ có 5 hiệu cắt tóc quốc doanh: 51 Tràng Tiền, 36 Lê Thái Tổ, 15 Hàng Khay chuyên cắt tóc nam, 33 Hàng Khay chuyên cắt tóc nữ và 53 Đinh Tiên Hoàng. Đến năm 1979, hiệu cắt tóc 51 Tràng Tiền chuyển về số 6 Tràng Thi. Lúc đầu Công ty hợp doanh quản lý hiệu cắt tóc, sau đổi tên thành Công ty ăn uống - phục vụ Hà Nội. Và đến trước khi giải tán là Công ty du lịch dịch vụ Hà Nội Toserco.

Tính đến đời con, gia đình ông Đào Xuân Tân có bốn đời làm nghề cắt tóc. Năm đói Ất Dậu, ông nội ông Đào Xuân Tân là cụ Đào Xuân Viên dắt vợ con từ làng quê nghèo Hà Nam lên Hà Nội kiếm ăn. Có nghề cũ, cụ mở hiệu cắt tóc Đông Anh ở đầu phố Đồng Xuân, rồi truyền nghề cho các con. Những năm 60 của thế kỷ trước, cửa hiệu vào công tư hợp doanh, cụ Viên và người con lớn đi xây dựng kinh tế mới ở Yên Sơn, Tuyên Quang rồi định cư hẳn ở đó. Thân sinh ra ông Đào Xuân Tân là cụ Đào Xuân Đào chuyển lên làm ở hiệu cắt tóc 51 Tràng Tiền, thuộc Công ty Ăn uống - Phục vụ Hà Nội.

Đang cắt tóc, khi thấy một vị khách đứng tuổi bước vào, chị Huệ nói nhỏ với tôi lãnh đạo thành phố đến cắt tóc đấy anh à. Nhìn liếc sang tôi nhận ra ngay đó là đồng chí phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, người mà chúng tôi hợp tác nhiều năm trong thời gian tuyên truyền việc phục chế và đưa tiêu bản Rùa Hồ Gươm về trưng bày tại đền Ngọc Sơn. Việc lãnh đạo thành phố thường đến hiệu cắt tóc “mậu dịch”, đã trở thành truyền thống. Thời bao cấp nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến cắt tóc tại số 6 Tràng Thi. Vì điều kiện công tác không ra cửa hàng được có đồng chí còn mời thợ cắt tóc đến tận nhà.

Năm 2012, một nhà nghiên cứu Nhật Bản có đi nghiên cứu nghề cắt tóc trên khắp thế giới và đến Việt Nam đã vào hiệu cắt tóc “mậu dịch” để tìm hiểu. Sau khi về nước, ông đã viết thư nói rằng ông vô cùng cảm ơn vì cửa hàng đã giữ được bản sắc của nghề hớt tóc cao quý và ông động viên mọi người giữ nhiệt huyết để cửa hàng hoạt động mãi mãi.

Tiếc rằng hiệu cắt tóc “mậu dịch” cuối cùng của Hà Nội đã bị giải tán, nó “ra đi” cùng với nhiều ngôi nhà mái ngói liêu xiêu, với tiếng chuông tầu điện leng keng…

Hà Hồng

TIN MỚI NHẤT
1. Hồ Gươm, 22-3-2024 (Cập nhật: 23-3-2024 | Đã xem: 313)
2. Về thôi em về với mùa hoa đỏ (Cập nhật: 23-3-2024 | Đã xem: 348)
3. Người Hà Nội yêu cây, yêu Hồ Gươm là thế! (Cập nhật: 28-5-2023 | Đã xem: 566)
4. Ngụm nước mát giữa trời nóng (Cập nhật: 18-5-2023 | Đã xem: 592)
5. Mát thì có mát nhưng... (Cập nhật: 7-5-2023 | Đã xem: 543)
6. Câu chuyện sáng mùng một Tết Quý Mão 2023 (Cập nhật: 22-1-2023 | Đã xem: 838)
7. Cháu yêu chú bộ đội (Cập nhật: 15-8-2022 | Đã xem: 1195)
8. Người và cây đã ra đi (Cập nhật: 14-8-2022 | Đã xem: 1131)
9. Tháng ba hoa gạo nở! (Cập nhật: 5-4-2022 | Đã xem: 446)
10. Kỷ vật thời giãn cách (Cập nhật: 9-1-2022 | Đã xem: 1138)
CÁC TIN KHÁC
1. Mở đầu hoành tráng, kết thúc im lìm (Cập nhật: 17-10-2010 | Đã xem: 8636)
2. Thương cho chú chim nhỏ xa mẹ trong chiều mưa (Cập nhật: 15-7-2016 | Đã xem: 4927)
4. 23 tháng chạp năm 2019 (Cập nhật: 19-1-2020 | Đã xem: 1668)
5. Trò chơi trẻ em dắt ta về với tuổi thơ xưa (Cập nhật: 4-6-2013 | Đã xem: 7842)
7. Duyên dáng cùng 'người mẫu' lộc vừng (Cập nhật: 25-2-2010 | Đã xem: 6508)
8. Đàn bồ câu đã bị bắt mất một nửa (Cập nhật: 30-12-2010 | Đã xem: 11313)
9. Đời ghế đá thứ tư (Cập nhật: 12-4-2009 | Đã xem: 8896)
10. Joo đánh trống bên hồ (Cập nhật: 20-4-2013 | Đã xem: 5602)
KháchLogin
Đang tải bộ tìm kiếm . . .