» Vị trí : Đang xem tin
Chuyên mục: Kỷ niệm riêng của mỗi người
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Chuông Nhà thờ Lớn
Cập nhật: 13-4-2023 | Đã xem: 524

Nhà tôi ở trên phố Lý Thường Kiệt. Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, mỗi sáng thức dậy tôi lại được nghe tiếng chuông từ Nhà thờ Lớn (Nhà thờ chính tòa Giuse) vọng tới. Rồi sau này lớn lên, trở thành phóng viên của Báo Nhân Dân, gần như ngày nào tôi cũng được nghe thấy tiếng chuông nhà thờ. Trong tôi đau đáu một điều, làm thế nào được  tận mắt nhìn thấy những quả chuông đó? Và thế là điều may mắn đã đến, đầu tháng 6-2019, tôi đã được leo lên tháp chuông, tận mắt nhìn thấy những quả chuông từng ngân vang suốt hơn 100 năm qua.

Bác Đào Mạnh Tiến, người cuối cùng kéo chuông Nhà thờ Lớn Hà Nội

Leo lên gác chuông

Vào lúc 18 giờ 50 phút, ngày 15-4-2019 (tức là khoảng 23 giờ 50 phút giờ Hà Nội) ngọn lửa đã bùng lên trên nóc Nhà thờ Đức Bà, Thủ đô Pa-ri (Pháp). Tháp nhọn và phần lớn mái vòm nhà thờ đổ sập. Nhiều người đã khóc cho một công trình kiến trúc đẹp nhất thế giới với hơn 850 năm tuổi. Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, phóng xe đến phố Ấu Triệu, đứng trước Nhà thờ Lớn nhìn lên hai tháp để nghe tiếng chuông bình an. Tuy không đồ sộ, nguy nga, hoành tráng như Nhà thờ Đức Bà Pa-ri, nhưng Nhà thờ Lớn Hà Nội (khánh thành vào lễ Giáng sinh năm Đinh Hợi - 1887) được thiết kế theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Pa-ri. Nhà thờ Lớn được xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic Trung cổ châu Âu rất thịnh hành trong thế kỷ XII và thời Phục hưng ở châu Âu với những mái vòm uốn cao, rộng, vút lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bồi. Nhà thờ có chiều dài 64,5 m, chiều rộng 20,5 m, hai tháp chuông cao 31,5 m với những trụ đá to nặng bốn góc, trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá. Tháp chuông Nhà thờ Lớn là một phần quan trọng của kiến trúc nhà thờ. Tháp chuông là nơi đặt chuông và để tiếng chuông vang xa, bởi vậy chuông thường được treo ở nơi cao nhất của nhà thờ.

Khi biết tôi có ước mơ được lên gác chuông Nhà thờ Lớn, chị Phan Thị Tuyết Lan, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống cũng bày tỏ nguyện vọng muốn lên gác chuông như tôi. Chị Tuyết Lan nói sẽ xin phép các linh mục trong Nhà thờ Lớn để được cùng tôi lên xem. Thời gian định là ngày 7-6-2019. Tiếc rằng vào thời điểm này, chị Tuyết Lan bận họp đột xuất cho nên cử Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Trống cùng tôi lên xem gác chuông.

Tiếp chúng tôi là Linh mục Giuse Nguyễn Mạnh Tâm. Trước khi lên tháp, Linh mục Tâm mời chúng tôi ăn bánh và uống một chút rượu vang hoa quả tại một phòng khách nhỏ cạnh Nhà thờ Lớn. Sau đó Linh mục Tâm trực tiếp dẫn chúng tôi lên gác chuông. Đứng ngoài nhìn hai tháp chuông cao, to, bề thế, nhưng khi vào bên trong cầu thang lên tháp chuông lại rất hẹp. Linh mục Tâm luôn miệng nhắc chúng tôi đi cẩn thận kẻo bị ngã. Bậc cầu thang bằng gỗ, nhỏ, lòng cầu thang hẹp và dựng đứng, chỉ vừa một người đi. Theo lối cầu thang nhỏ, chúng tôi tiếp cận được chiếc chuông đặt ở bên trái (nhìn từ phía ngoài vào). Thật sự choáng ngợp, đó là cảm giác của chúng tôi khi nhìn thấy chiếc chuông lớn nặng gần 4 tấn (chuông boòng), chuông được treo trên một dầm gỗ (chỗ dầm cao nhất khoảng 1 m), dầm gỗ này được đặt trên hệ thống khung chịu lực cũng bằng gỗ. Thật bái phục những người thiết kế ra bộ khung này vì với chiếc chuông nặng gần 4 tấn, đường kính vành chuông gần 2 m, khi dao động với biên độ lớn, khung vẫn ổn định hơn 100 năm trên độ cao hàng chục mét so với mặt đất. Đầu dầm treo chuông lớn này có bánh xe lớn. Đây là chỗ mắc dây thừng, dòng xuống tầng dưới để có người kéo chuông. Bây giờ, chuông đã được lắp hệ thống đánh chuông tự động không phải dùng sức người nữa.

Ở xa vài ki-lô-mét nghe được tiếng chuông, cảm nhận được độ ngân nga, còn ngồi ngay sát chuông, nghe tiếng chuông đánh mà chúng tôi rung hết cả người. Tháp chuông cao, rỗng, có cửa thông ra ngoài bằng các nan bê-tông cho nên tiếng chuông càng âm vang như thùng loa to vậy, nhờ thế  mà tiếng chuông được lan tỏa đi xa. Chẳng thế mà thằng gù Nhà thờ Đức Bà Quasimodo (trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo) bị điếc vì thường xuyên kéo chuông.

Linh mục Tâm cho chúng tôi biết, đây là quả chuông lớn nhất có tên là chuông boòng, mỗi năm chỉ ngân lên sáu lần vào Giáng sinh và các dịp đại lễ. Trước đây, khi chưa có máy đánh chuông tự động thì phải cần 10 người kéo chuông.

Tháp chuông bên phải (nhìn từ ngoài nhà thờ vào) có bốn quả chuông nhỏ. Trong đó có ba quả ngân lên hằng ngày theo từng giờ lễ. Quả chuông còn lại ở phía trái (nhìn từ ngoài vào), treo thấp nhất trong bốn quả chuông có tiếng ngân trầm hơn, thường dùng khi có tang lễ. Người ta gọi là chuông buồn. Linh mục Tâm cho biết thêm, năm quả chuông ở Nhà thờ Lớn Hà Nội được đúc tại Pháp có giá là 20.000 Francs lúc bấy giờ, bằng một phần mười tổng số tiền để xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Chính giữa hai tháp chuông là chiếc đồng hồ đường kính khoảng 1 m. Chúng tôi đã được bác Hải chỉ cho xem chiếc đồng hồ cổ đã chạy chính xác trong hơn 100 năm qua. Bác là người đảm nhận công việc chăm sóc cho chiếc đồng hồ “sống” liên tục trong hàng chục năm qua. Bác Hải cho biết, từ đồng hồ này có hệ thống báo đánh chuông cho năm quả chuông ở hai tháp chuông. Còn hệ thống lên dây cót bằng tay. Nhưng nhà thờ cho lắp thêm hệ thống lên dây cót tự động. Phía sau đồng hồ là hệ thống mái Nhà thờ Lớn. Mái được lợp bằng ngói, cầu phong, xà gồ, vì kèo đều bằng gỗ chắc chắn. Nhìn qua nan bê-tông chúng tôi thấy phía dưới sân trước nhà thờ, khách du lịch đang đua nhau chụp ảnh lưu niệm có hình của mình với Nhà thờ Lớn. Ở trên này tôi lại lưu lại được những tấm hình quý giá, chiếc đồng hồ cổ, cỗ máy thời gian hoạt động chính xác từng phút và dàn chuông cổ ngân vang suốt 100 năm qua.

Chiếc chuông boòng nặng gần bốn tấn, đường kính vành chuông gần 2m.

Người cuối cùng kéo chuông Nhà thờ Lớn

Cuối năm 2018, bác Đào Mạnh Tiến phải vào bệnh viện mổ cấp cứu, do vậy nhà thờ đã lắp hệ thống đánh chuông tự động, kể từ Giáng sinh năm 2018. Còn trước đó, bác Tiến đã có 22 năm liên tục kéo chuông ở đây. Trước bác Đào Mạnh Tiến là thầy Đạt, trước thầy Đạt là ông Bình…

Nhà bác Tiến ở 52 phố Lý Quốc Sư (cách Nhà thờ Lớn hơn trăm bước chân) cùng số nhà hộ bán bánh gối nổi tiếng bên cây si già. Nhà bác cao năm tầng trên diện tích mặt bằng hơn 12 m2. Bác Tiến người cao to, và rất xởi lởi. Bác say sưa kể chuyện về công việc của mình trong 22 năm qua.

Trên tầng hai quán giải khát, sát với Nhà thờ Lớn, vừa nhìn ra gác chuông bác Tiến vừa kể: Hằng ngày từ 4 giờ 30 phút (4 giờ sáng ngày lễ) tôi xách chùm chìa khóa (nặng khoảng 0,5 kg) để mở các cửa vào vị trí kéo chuông. Bác Tiến nói vui, thằng gù Nhà thờ Đức Bà Pa-ri Quasimodo bị điếc do đánh chuông nhiều, còn tôi lại bị mắt kém, đã năm lần bị ô-tô va nhưng chẳng làm sao. Tuy vậy tôi thuộc từng chiếc khóa mở từng cửa của nhà thờ. Ngoài việc đánh chuông tôi còn việc lau sàn nhà thờ, tưới cây. Hằng ngày tôi có bốn lần kéo chuông: vào lúc 5 giờ (chuông lễ sáng), 12 giờ (chuông nguyện), 18 giờ (chuông lễ chiều), 19 giờ (chuông tắt lửa). Riêng chủ nhật có tám lần kéo. Tính chi li mỗi ngày tôi phải lên xuống cầu tháng tám lần, vào ngày lễ thì 16 lần, mỗi lần bước khoảng 30 bậc thang.

Câu chuyện giữa chúng tôi và bác Tiến tạm dừng vì tiếng chuông nhà thờ vọng lại. Bác Tiến bảo, từ ngày chuông được đánh tự động bằng máy, chuông luôn ngân đúng giờ nhưng nghe không rền như người kéo. Bác Tiến nhớ lại vào đêm Nô-en, 24-12, hằng năm tôi và vài người khác cầm sợi dây thừng to nhất. Sau tiếng hô một, hai, ba của tôi, mọi người cùng gồng sức vít dây thừng tạo dàn âm thanh của chuông vang vọng, thời khắc nhịp đập trái tim tôi rung cùng tiếng ngân của dàn chuông trên nóc nhà thờ. Sinh ra và lớn lên trong lòng phố cổ, sát Hồ Gươm cho nên bác Tiến còn nhiều kỷ niệm thời trẻ con của mình. Bác Tiến kể, có lần lội xuống đầm sen (khu vực phía đường đôi Đinh Tiên Hoàng) dẫm lên một cái “phản”. Sau đó mới biết là dẫm lên lưng Rùa Hồ Gươm. Rùa không có phản ứng gì mà từ từ bò đi nơi khác. Trẻ con hồi đó thích nhất là đi câu tôm. Lưỡi câu làm bằng tanh dây kéo phanh xe đạp uốn cong. Để cho lưỡi câu chìm được bọn trẻ con phải đi sưu tầm vỏ tuýp thuốc đánh răng làm bằng chì, nấu lên cho vỏ chảy ra rồi viên lại, gắn vào đầu lưỡi câu. Khi thả câu thấy dây câu căng, giật mạnh, chắc chắn câu được tôm. Bác Tiến cùng với mấy đứa trẻ trong phố đã từng thi nhau bơi ra Tháp Rùa rồi quay về. May mà hồi đó ít công an nên chẳng đứa nào bị bắt, chứ bây giờ trẻ con mà làm thế chắc là bị công an mời về đồn ngồi rồi.

Câu chuyện của chúng tôi với bác Tiến lại bị ngắt quãng khi có điện thoại của con dâu gọi về ăn cơm trưa.

Hà Hồng

TIN MỚI NHẤT
2. Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Tháp Bút (Cập nhật: 13-4-2023 | Đã xem: 697)
3. Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Phố Hàng Trống (Cập nhật: 13-4-2023 | Đã xem: 490)
4. Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Đình Trấn Ba (Cập nhật: 13-4-2023 | Đã xem: 619)
5. Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Đài Nghiên (Cập nhật: 13-4-2023 | Đã xem: 568)
Đang tải bộ tìm kiếm . . .