» Vị trí : Đang xem tin
Chuyên mục: Kỷ niệm riêng của mỗi người
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Hồ Gươm - Nơi ghi dấu bóng hình của Bác
Cập nhật: 1-4-2023 | Đã xem: 2609

Bác Hồ đến thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ

Sáng 17-1-1946, Bác Hồ thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ (Bưu điện Hà Nội ngày nay). Trên trang nhất Báo Cứu quốc - Cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh số 145, ra ngày 18-1-1946 đã đăng bài viết:” Hồ Chủ tịch đã đến thăm Bưu điện Trung ương”. Sự kiện này cũng được nhắc tới trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị quốc gia Sự thật), trang 116.

Những người chứng kiến kể lại rằng: Bác đi bộ từ Bắc Bộ phủ đến Bưu điện Trung ương Bờ Hồ lúc 7 giờ 35 phút, ngày 17-1-1946. Dáng Bác cao, gầy, nhanh nhẹn. Bác mặc bộ ka-ki mầu vàng nhạt, chân đi đôi giày vải, kiểu giày của đồng bào người Tày. Bác đến thăm cán bộ, nhân viên tại các phòng bưu phẩm, điện thoại, điện báo. Vì sợ ảnh hưởng đến thông tin liên lạc cho nên Bác không dừng nói chuyện ở các phòng mà đi lướt rất nhanh. Trước khi ra về, Bác ân cần động viên mọi người hăng hái trong công tác cách mạng, làm tròn nhiệm vụ thông tin liên lạc.

Sau đó Bác đến thăm gian trưng bày thủ công của thiếu nhi Hà Nội tại Nhà Văn hóa Cứu quốc (góc phố Hàng Trống - Lê Thái Tổ).

Đồng chí Tổng Biên tập Hoàng Tùng báo cáo với Bác Hồ tình hình xuất bản Báo Nhân Dân (18-1-1957). Ảnh: Nguyễn Kim Côn

Bác Hồ có nhiều hoạt động tại Nhà hát lớn Hà Nội

Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng 8 và những năm sau này, Bác Hồ có nhiều hoạt động tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị Quốc gia sự thật), trang 142, có ghi: Ngày 2-3-1946, lúc 9 giờ, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội  khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã long trọng khai mạc. Đọc diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật ý nghĩa lịch sử của Quốc hội lần này. Sau khi nghe báo cáo công việc Chính phủ đã làm trong sáu tháng qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trao quyền lại cho Quốc hội để tổ chức Chính phủ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội nhất trí bầu làm Chủ tịch Chính phủ kháng chiến và giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức Chính phủ mới.

Bác Hồ tiếp chị gái ở Bắc Bộ phủ

Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường làm việc tại Bắc Bộ phủ. Ngoài thời gian chủ trì các cuộc họp, Người còn tiếp khách và có những phút thư giãn quý báu.

Đầu tháng 5-1946, hằng ngày từ 6 đến 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi đọc báo tại một phòng trong Bắc Bộ phủ để các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Thị Kim vẽ chân dung và nặn tượng Người. Trong lúc làm việc, Người đã trao đổi với các nghệ sĩ về nghề nghiệp. Thông tin nói trên được sách  trích dẫn trong tác phẩm Bác Hồ với văn nghệ sĩ, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội năm 1985, trang 61-65.

Ngày 9-5-1946, lúc 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gần 50 đại biểu thuộc đủ các lứa tuổi, các giới của các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang. Các đại biểu đã biếu Người sản vật của địa phương: khoai, ngô, mật ong, vải... Người nâng cốc chúc các đại biểu mạnh khỏe, sống lâu, hô hào con cháu đoàn kết giúp Chính phủ và động viên chị em phụ nữ, hỏi thăm tình trạng xóa nạn mù chữ, khuyên đồng báo nên gắng sức học tập cho biết chữ và đoàn kết chặt chẽ. Người nhắc các đại biểu lần sau không nên mang cho nhiều quà, vừa tốn công vừa tốn của. Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay tặng mỗi đại biểu một huy hiệu có in hình của Người và chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu.

Ngày 27-10-1946, lúc 11 giờ 30 phút, tại một căn phòng trong Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón bà Nguyễn Thị Thanh - chị ruột của Người từ quê ra thăm (câu chuyện được viết lại từ Báo Cứu quốc, số 390, ngày 29-10-1946;  Hồ Quang Chính, Bác Hồ gặp chị gái và anh ruột (Hồi ký), NXB Nghệ An, 1979, tr11-20; Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t4, tr 477): … Trước sự tủi mừng khôn xiết, bà Thanh hỏi Người về sức khỏe, về nỗi nhớ quê hương, về bài hát ru Non nước thời thơ ấu. Người xúc động lấy khăn chấm chấm nước mắt và nói: “Chị có khỏe không, em biết chị chờ lâu, nhưng em đang bận tiếp các đồng chí từ Nam Bộ ra. Chị ơi quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình, những chiến sĩ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu…”. Tiếp đó Người hỏi chị gái mình về quê hương thay đổi ra sao? Về bác Khiêm (anh ruột Người) và một số thân nhân, người cao tuổi ở quê nhà. Người còn hỏi về hai người đi cùng bà Thanh (cả hai người đang học lớp mật mã ở Hà Nội. Đó là đồng chí Nguyễn Sinh Thọ, cháu gọi Người bằng ông và đồng chí Hồ Quang Chính - con nuôi cụ Hồ Tùng Mậu, tác giả tập hồi ký Bác Hồ gặp chị và anh ruột) và dặn họ gắng học tập, đoàn kết, toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng, đừng quan liêu hủ hóa.

Biết bà Thanh mang quà quê biếu, Người nói: “Cảm ơn chị và hai cháu, tương thì để thỉnh thoảng mời cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) cùng ăn cho vui, gà thì nuôi cho nó đẻ trứng”. Và Người mời bà Thanh cùng hai cháu ở lại đến chiều ăn cơm với Người, có cụ Huỳnh cùng dự. Sau đó xe của văn phòng đưa bà Thanh về nghỉ tại nhà người quen trong thành phố Hà Nội.

Bác Hồ đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ

Ngày 21-12-1954, hai tháng sau khi tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đến thăm cán bộ, nhân viên Nhà máy đèn Bờ Hồ (nay là Sở điện lực Hà Nội - Đinh Tiên Hoàng). Sau khi nói chuyện với cán bộ, nhân viên nhà máy, Bác đến thăm và tặng quà nhiều gia đình cán bộ nhân viên của Nhà máy đèn Bờ Hồ.

Ông Trịnh Trọng Thực, cán bộ được phân công phụ trách kỹ thuật của Nhà máy đèn Bờ Hồ thời đó kể lại: Nhà máy đèn Bờ Hồ lúc đó có các phòng kho, giữa sân là nhà máy chia điện và phát điện một chiều 600V cấp cho xe điện. Cả Hà Nội lúc bấy giờ chỉ có 70 trạm biến áp, phân bố rải rác trên các tuyến phố. Do các thiết bị bị cũ nát, thường xuyên hỏng hóc, trục trặc, cho nên cán bộ kỹ thuật của nhà máy ngày đêm làm việc để khắc phục các sự cố, bảo đảm việc cung cấp điện tốt nhất cho các cơ quan của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố cũng như các cơ quan của thành phố. Ông Trịnh Trọng Thực bồi hồi nhớ lại những lời Bác căn dặn cán bộ công nhân viên của Nhà máy đèn Bờ Hồ: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”.

Bác Hồ chúc Tết tại Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội

Sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 6 (1955-1957), NXB Chính trị quốc gia Sự thật - 2016, trang 189, có ghi: Sáng 12-2-1956 (Mùng Một Tết Bính Thân), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chúc Tết đại biểu nhân dân Hà Nội, anh chị em miền Nam tập kết, học sinh Trường Cán bộ dân tộc thiểu số, bà con Hoa kiều đang họp mặt mừng năm mới  tại phòng khách của Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội). Thay mặt Đảng, Chính phủ, Người căn dặn đại biểu các ngành, các giới về nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bác Hồ  đến Báo Nhân Dân

Nhà báo Đặng Minh Phương kể: Một ngày giữa tháng 1-1957, trời rét căm căm, anh chị em cán bộ tòa soạn Báo Nhân Dân đang cặm cụi làm việc bỗng có lệnh của Tổng Biên tập Hoàng Tùng triệu tập tất cả cán bộ biên tập, phóng viên… tập trung vào phòng lớn của cơ quan (nay là tầng một tòa nhà đang cho ngân hàng nước ngoài thuê). Mọi người nhanh chóng đến đông đủ. Tổng Biên tập ra sân đón Bác. Một chiếc ô-tô vào sân. Cửa xe mở, Bác Hồ bước ra. Mọi người hết sức bất ngờ, vô cùng phấn khởi reo: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Đồng chí Hoàng Tùng giới thiệu với Bác anh chị em có mặt là phóng viên, biên tập viên. Có một số cháu con của các cán bộ, nhân viên trong cơ quan theo bố, mẹ đến “dự”. Bác đưa tay chỉ về phía các cháu nhỏ đứng bên cha mẹ và nói vui: “Đây cũng là biên tập viên, phóng viên”. Mọi người cười ồ thú vị. Không khí ấm áp tràn ngập niềm vui khôn xiết. Nói chuyện về nghiệp vụ với cán bộ, phóng viên của báo Đảng, Bác dạy: Khi bắt đầu viết một bài báo, phải tự đặt câu hỏi viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Bác nhắc nhở, phải chú ý viết cho dễ hiểu, tránh dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng, cần viết ngắn gọn, dễ đọc… Nhật ký của nhà báo Phan Quang có ghi: “Bác Hồ mặc bộ quần áo ka-ki cũ mầu sữa, thân áo phía sau hơi hếch lên vì vải co dữ quá. Tôi để ý hai ống quần đã xuống gấu và hai đầu tay áo cũng đã buông nếp gấp mà vẫn còn cộc. Đồng hồ Bác dùng là một đồng hồ quả quýt, mặt làm bằng kính mi-ca vàng bệch”.

Bác Hồ đến thăm phóng viên, biên tập viên  vào ngày 18-1-1957, nhưng vì sao trên Báo Nhân Dân hằng ngày lại không nhắc tới sự kiện này? Tìm đọc số Báo Nhân Dân các ngày 18,19-1-1957 cũng như đọc Sơ thảo lược sử 60 năm Báo Nhân Dân (1951-2011) chúng tôi không thấy ghi sự kiện trong đại này. Tra sách Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 8, chúng tôi cũng không thấy ghi nội dung nói trên. Sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 6, 1955-1957, trang 310 có ghi hai hoạt động của Bác trong ngày 18-1-1957. Hoạt động thứ nhất Bác hồ đến thăm Báo Nhân Dân. Hoạt động thứ hai: Bác gửi điện chúc mừng Liên bang Miến Điện nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 9 ngày tuyên bố độc lập. Trên Nội san Người làm Báo Nhân Dân số 26 (bộ mới), Quý II-2017, có nhiều bài viết nói về sự kiện nói trên. Nhà báo Đặng Minh Phương - người chứng kiến ngày Bác về thăm báo Đảng kể nguyên nhân vì sao báo Đảng không đăng sự kiện nói trên: “Sáng hôm sau, báo phát hành, không thấy đăng tin Bác Hồ đến thăm Báo Nhân Dân. Đây là một sự kiện lớn, đặc biệt đối với Báo Nhân Dân. Chúng tôi rất lấy làm lạ, không hiểu có điều gì “bí mật” cần phải giữ thì được đồng chí Tổng Biên tập cho biết là: Bác có dặn tôi (Hoàng Tùng) là Bác đến thăm, nói chuyện với cán bộ, phóng viên để làm việc cho tốt chứ không đăng tin lên báo”.

Trước đó một năm, Bác Hồ cũng đến Báo Nhân Dân nhưng trong một thời gian rất ngắn, đến nỗi Tổng Biên tập Hoàng Tùng cũng không biết. Bài viết “Bác Hồ chúc Tết phóng viên” của nhà báo Phan Quang trong cuốn sách Bác Hồ người có nhiều duyên nợ với báo chí (NXB Đại học Quốc gia) kể về chuyện này như sau: Sáng Mồng Một Tết năm Bính Thân 1956, Bác Hồ bất ngờ đến thăm Báo Nhân Dân. Một chuyến thăm không báo trước, đến Tổng Biên tập báo cũng không hay… Rời trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Bác đến CLB Thống Nhất (Nhà Khai trí Tiến Đức trước đây) nơi đông đảo cán bộ miền nam tập kết đang tụ hội đón xuân. Đồng bào Thủ đô dạo chơi quanh Hồ Hoàn Kiếm, hay tin có Hồ Chủ tịch đến, không ai bảo ai đều quy tụ trước cổng CLB Thống Nhất. Đứng chật cả hai đoạn phố, náo nức chờ Bác ra để được nhìn thấy Bác, hoan hô chúc thọ Bác… Hôm ấy tôi (nhà báo Phan Quang) được giao nhiệm vụ trực cơ quan trong ngày Tết Nguyên đán. Khi đang tiếp các cụ già thay mặt tổ dân phố Hàng Trống  đến chúc mừng Báo thì anh bảo vệ cơ quan hớt hải xộc vào: “Bác Hồ, Bác Hồ đến”. Tôi chạy vội ra sân, nhìn về phía cổng chính không thấy ai. Hóa ra Bác sang tòa báo theo lối đi nội bộ, từ CLB Thống Nhất băng ngang qua phía trước đền Vua Lê Thái Tổ sang trụ sở Báo Nhân Dân. Cùng đi với Bác có bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố và một vài cận vệ. Các đồng chí cận vệ mời Bác theo lối tắt sang cơ quan Báo Nhân Dân, rồi từ đây ra cổng chính số 71 Hàng Trống lên đường đi tiếp theo chương trình đã định. Và có lẽ tại hôm đó là sáng đầu năm, Bác Hồ đã đi ngang qua trước cơ quan hoặc bất kỳ nhà ai, Bác không thể không vào thăm hỏi, chúc mừng năm mới.

Tôi chắp tay mời Bác vào phòng khách. Chú Tùng (Hoàng Tùng - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) đâu, Bác hỏi. Thưa bác anh Hoàng Tùng sáng nay lên Văn phòng Trung ương chúc Tết, cháu là cán bộ được phân công trực cơ quan… Bác Hồ cứ đứng mà nói chuyện, tôi mờ Bác ngồi, Bác xua tay: Chú cứ để mặc Bác… Tôi đưa tiễn Bác Hồ ra xe, Bác hỏi, chú làm gì ở Báo? Thưa Bác cháu là phóng viên. Bác tươi cười bắt tay tôi: Chú là phóng viên, là nhà báo. Năm mới Bác chúc nhà báo viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc. Chú nói lại với chú Tùng và toàn thể các cô, các chú trong cơ quan là hôm nay Bác đến thăm và có lời chúc Tết tất cả anh chị em và các cháu nhi đồng.

Bác Hồ đặt tên cho Báo Hà Nội mới

Bác Hồ chưa trực tiếp đến tòa soạn Báo Hà Nội mới tại 44 phố Lê Thái Tổ, nhưng Bác là người hai lần trực tiếp đặt tên cho báo. Tác giả Công Hoàn (dientu@hanoimoi.com.vn) kể về câu chuyện này như sau: Sau ba năm tiếp quản Thủ đô, ngày 24-10-1957, Báo Thủ đô - cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội ra số hằng ngày đầu tiên. Vào thời điểm này, Hà Nội có hai tờ báo của tư nhân đó là tờ BáoHà Nội hằng ngàyThời mới. Chủ trương của trên là sáp nhập hai tờ báo này vào Báo Thủ đô. Cả hai lần sáp nhập, Ban Tuyên huấn Trung ương đều báo cáo xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành thời gian làm việc với Ban Biên tập Báo Thủ đô. Lần thứ nhất vào năm 1961, Bác Hồ cầm tờ Báo Hà Nội hằng ngày gấp lại, che đi hai từ hằng ngày rồi Bác áp tờ Thủ đô vào và nói: “Tên của tờ báo đây: Thủ đô Hà Nội. Năm 1968, Báo Thủ đô Hà Nội lại sáp nhập với Báo Thời mới. Bác Hồ cầm hai tờ báo, một báo che đi hai từ “Thủ đô”, một báo che từ “Thời” rồi Bác ghép lại là Hà Nội mới. Từ đó báo có tên là “Hànộimới”.

Bác Hồ đi chúc Tết người nghèo ở phố Lý Thái Tổ

Theo tác giả Phan Văn Xoàn (trích bài viết trong cuốn sách Nhớ mãi lời Bác, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1987): Dịp Tết cổ truyền năm 1962, như thường lệ, lãnh đạo thành phố Hà Nội bố trí và mời Bác đi thăm một số gia đình có công với cách mạng, thương binh, liệt sĩ, cán bộ miền Nam tập kết, trí thức... Biết cảnh vệ sẽ đi trước chuẩn bị, Bác gọi tôi bảo:Ngoài những gia đình do thành phố báo trước, các chú tìm và đưa Bác đến thăm một gia đình công nhân thật sự còn nghèo. Nhớ phải giữ tuyệt đối bí mật. Tối Giao thừa, sau khi Bác đi theo kế hoạch, lúc trở về, chúng tôi mời Bác đến thăm nhà một công nhân nghèo, ở ngõ cụt ở đầu phố Lý Thái Tổ (gần sát Hồ Gươm) - một xóm lao động gần sát Hồ Gươm, phần lớn là nhà tranh vách đất nằm sâu bên trong mặt phố… Bác bước vào một gian vách đất lợp lá, cái giường gỗ cũ kỹ kê giữa nhà, mấy đứa trẻ đang lục tìm quần áo gấp thành đống ở góc giường. Trên bàn thờ có nải chuối xanh duy nhất và mấy tăm hương tỏa khói.

Bác bế đứa bé nhất, hôn vào má cháu, cài chiếc cúc áp ngực vừa tuột ra và hỏi chị Chín (chủ nhà) chuyện gia đình. Chị Chín sinh được năm người con, chồng là công nhân nhà máy đèn đã chết, một mình phải đi làm phu khuân vác và gánh nước thuê lấy tiền nuôi con. Khi Bác hỏi về ăn Tết ra sao? Chị Chín run run nói trong nước mắt:

- Thưa Bác, mẹ con cháu có gì đâu mà ăn Tết. Ngày mai, chỉ còn lon gạo bớt lại bữa chiều nay. Đến giờ này, cháu vẫn phải đi gánh nước để đổi gạo cho các cháu có miếng cơm trong ba ngày Tết. Nói xong, chị dường như ân hận điều gì đó, đôi môi mím chặt cúi gằm xuống đất, không nhìn ai. Bác căn dặn các cháu phải ngoan, nghe lời mẹ, biết giữ vệ sinh và nhắc chị Chín cho các cháu đi học.

Bà con nghe tin Bác đến đã vây rất đông ở ngoài cửa. Họ sung sướng reo mừng: Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm!

Bác giơ tay để mọi người im lặng, rồi chậm rãi nói: Bác đến thăm bà con trong ngõ nhưng thời gian ít quá không đi khắp được. Bác phấn khởi được biết bà con rất vui. Nhưng Bác có ý kiến: Tại sao trong lúc bà con ăn Tết vui vẻ lại không nghĩ đến những gia đình còn nghèo và đang gặp khó khăn như nhà cô Chín đây…

Ngay tối hôm ấy, khi Bộ Chính trị tập trung đến chúc Tết, Bác đã nói ngay chuyện thăm nhà chị Chín và kết luận: Ta đã có chính quyền trong tay, nhưng một số lãnh đạo địa phương còn nặng về hình thức. Họ chưa sâu sát dân nên phục vụ nhân dân chưa tốt. Hôm sau, Bác trực tiếp gặp và phê bình lãnh đạo thành phố. Ngay sau khi Bác về, bà con trong ngõ mỗi người một thứ, của ít lòng nhiều đã mang đến giúp mẹ con chị Chín. Thành phố đã trợ cấp khó khăn ngay cho gia đình chị. Mỗi cháu có một bộ quần áo mới phin hoa để vui xuân. Sau đó, thành phố đã thu xếp việc làm ổn định cho chị Chín, các cháu đến tuổi được cắp sách đến trường. Cũng từ đây, nhiều gia đình lao động thiếu thốn, gặp khó khăn đã được chính quyền và nhân dân giúp đỡ chăm sóc mỗi dịp Xuân về.

(Tiếp theo và hết)

Hà Hồng

Xem bái trước: Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Hồ Gươm – Nơi ghi dấu bóng hình của Bác

TIN MỚI NHẤT
2. Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Tháp Bút (Cập nhật: 13-4-2023 | Đã xem: 697)
3. Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Phố Hàng Trống (Cập nhật: 13-4-2023 | Đã xem: 490)
4. Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Chuông Nhà thờ Lớn (Cập nhật: 13-4-2023 | Đã xem: 524)
5. Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Đình Trấn Ba (Cập nhật: 13-4-2023 | Đã xem: 620)
6. Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Đài Nghiên (Cập nhật: 13-4-2023 | Đã xem: 568)
Đang tải bộ tìm kiếm . . .