Hộp
thư “
hohoankiem.org “ vừa
nhận được bài viết của nhà báo Ngô
Thi kể về ngày 18-1-1957, Bác Hồ
đến thăm báo Nhân Dân. Nhân dịp Kỷ
niệm 55 năm, Ngày báo Nhân Dân ra
số đầu (11-3-1951- 11-3-2006) ,
chúng tôi trân trọng giới thiệu
tới bạn đọc bài viết này.
Bác Hồ vị lãnh tụ vĩ đại của toàn
dân tộc. Bác là người thầy của
làng báo chúng ta. Các thế hệ cán
bộ, phóng viên, nhân viên báo Nhân
Dân mãi mãi ghi sâu những lời dạy
của người. Ngày 11-3 hằng năm là
dịp những người làm báo Nhân Dân
ôn lại công ơn trời biển của Đảng,
của Bác kính yêu.
Cứ đến ngày 11-3, lòng anh chị em
chúng tôi lại lâng lâng, quyến
luyến nhớ lại những ngày đầu trong
gian khó nhưng hào hùng của những
người làm báo Nhân Dân từ số đầu.
Nhiều đồng chí đã đi xa, không
cùng chúng tôi dự lễ Kỷ niệm lần
thứ 55 ngày báo Nhân Dân ra số
đầu. Hơn nửa thế kỷ qua, những cây
bút sắc sảo, dày dạn kinh nghiệm:
Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần
Quang Huy, Hoàng Tùng, Hà Xuân
Trường, Quang Đạm, Thép Mới, Hồng
Hà, Hữu Thọ... để lại trong chúng
ta niềm kính trọng và sự biết ơn
chân thành.
Người thầy của báo chí cách mạng
Việt Nam là Bác Hồ. Sinh thời Bác
chú tâm giáo dục, bồi dưỡng đội
ngũ báo chí. Báo Nhân Dân vinh dự
được sự quan tâm đặc biệt của
Người.
Từ khi trở lại thủ đô (10-1954),
Bác Hồ đến thăm báo Nhân Dân ba
lần, lần cuối vào sáng 18-1-1957.
Hôm đó, đoàn xe hơi vào thẳng cổng
lớn nhà số 71 phố Hàng Trống, Hà
Nội. Nhanh nhẹn bước xuống xe, Bác
ghé thăm nhà ăn và nhà bếp. Các
chị cấp dưỡng đang chuẩn bị bữa ăn
trưa. Bát úp trong rổ. Bàn ghế tuy
cũ nhưng sạch sẽ. Có nhiều chiếc
ghế dài đem từ Việt Bắc về.
Đồng chí Hoàng Tùng, Tổng biên tập
báo Nhân Dân kính mời Bác gặp anh
chị em trong tòa soạn. Mọi người
đứng vây quanh lãnh tụ trong một
phòng rộng. Trông bác giản dị như
một người cha. Ngày ấy, cơ quan
chưa có hội trường, chưa có máy
tăng âm, máy ghi âm. Không ai bảo
ai, mọi người đứng im phăng phắc
để cố nghe hết lời Bác.
Sau khi hỏi thăm sức khỏe nhiều
người đứng gần, Bác ân cần khuyên
tập thể tòa soạn đoàn kết, cố gắng
học tập và công tác, làm tốt nhiệm
vụ của báo giao, phụng sự tổ quốc,
phụng sự nhân dân. Bác giơ chiếc
đồng hồ quả quýt và nói đại ý:
Công việc cách mạng ở vị trí nào
cũng quan trọng. Việc nhỏ, việc
lớn đều cần phải làm tốt. Cũng như
chiếc đồng hồ, chạy tốt là nhờ các
chi tiết hợp thành. Nếu chỉ thiếu
một đinh ốc, đồng hồ không chạy
được.
Bác khuyên mọi người cố gắng tu
dưỡng, học tập, học thêm ngoại
ngữ, Bác dặn: Phải viết cho đúng,
cho hay. Nếu viết sai, in sai phải
đính chính. Viết tin, viết bài,
phải nên xem đăng ở vị trí nào,
mức độ dài ngắn cũng đều phải cân
nhắc, vì đều có ý nghĩa tuyên
truyền, ý nghĩa chính trị.
Trong lúc Bác đang nói chuyện với
anh chị em cán bộ, nhân viên, ở
ngoài sân, 23 cháu của nhóm trẻ cơ
quan ( tại số 12 phố Đường Thành )
được bố mẹ đem đến đang nô đùa.
Nhìn thấy Bác Hồ , các cháu chạy
ùa đến. Bác ôm các cháu vào lòng.
Bác khám tay từng cháu. Cháu Hà
Huy Hiệp và một vài bạn khác đứng
gần Bác, tay bẩn vừa nghịch đất,
nên Bác hướng dẫn các cháu đi rửa
tay ở vòi nước sát tường rào phía
hồ Hoàn Kiếm (đối diện cây đa).
Bác dắt tay bé gái Bạch Diệp, bé
trai Phan Phan Hoàng, cùng các
cháu ra phía gốc đa già đã hơn 300
tuổi. Bác chia kẹo cho các cháu.
Các cháu vui vẻ đứng chờ đến lượt,
không xô đẩy nhau. Thấy các cháu
ngoan, Bác rất vui. Bác – cháu
quấn quýt chân tình.
Thời gian quá ngắn ngủi. Bác bận
việc phải ra về. Bác và các đồng
chí đi theo, rời báo Nhân Dân qua
cửa nhỏ, sang đền Vua Lê và Câu
lạc bộ Đoàn Kết ( nay là Cục Văn
hóa, Thông tin cơ sở ), ở đó đã có
đoàn xe hơi chờ sẵn./.
Ngô Thi