Khu
vực ngã ba phố Hàng Trống - Bảo
Khánh, Hàng Hành-Bảo Khánh thường
tập trung khoảng ba, bốn người
dùng xe đạp để bán rổ rá rong.
Những thứ dùng ở quê như rổ, rá,
rế, mẹt, làn, lồng bàn ... làm
bằng tre, mứa, vầu vẫn có người
mua, cho dù trong siêu thị những
thứ đó đã được thay bằng lồng bàn
nhựa,rổ , rá, rế bằng i-nốc...
Thứ hàng quê đó cũng được nhiều
khách du lịch mua làm quà kỷ niệm.
Thứ họ mua thường là một dây nón
năm chiếc nhỏ xíu giá 10 nghìn
đồng; năm chiếc rá giá 50 nghìn
đồng; năm cái làn giá 100 nghìn
đồng.
Anh Lê Trọng Kiên nhà ở xã Hoằng
Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh
Hóa cho chúng tôi biết: Mấy người
cùng quê rủ nhau mang rổ rế ở làng
lên Hà Nội bán. Để giảm chi tiêu,
mười người cùng thuê một phòng để
ở (giá 500 nghìn đồng/ tháng/
phòng).
- Các anh làm thế nào mà rổ, rá có
màu vàng đậm như thế, có để gác
bếp không ? chúng tôi hỏi.
- Để lên gác bếp thì sản phẩm dễ
có màu sẫm, hàng không đẹp. Ở
quê mọi người xây lò ủ. Mỗi lò xây
bằng gạch chỉ cao khoảng 2 mét,
đường kính khoảng 0,8 mét. Rổ, rá
gác bên trên, phía dưới được hun
khói bằng rơm băm nhỏ, bên trên
cùng phủ bạt. Khói của rơm làm cho
rổ rá có màu vàng, chống được mối
mọt.
Cả hai vợ chồng anh Lê Trọng Kiên
cùng lên đây bán rổ rá, hai đứa
con trai (đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ
12 tuổi) ở quê. Độ một, hai tháng
bố, mẹ mang mấy trăm nghìn về cho
chúng tự mua gạo, thức ăn nuôi
nhau.
Chiều 18-1-2007, trời rét ( hơn
mười độ ), vắng khách, cho nên mấy
người bán rổ rá rong, tụ lại với
nhau bên tường rào cho đỡ lạnh.
Anh Kiên lấy chiếc điếu cày dấu ở
gốc cây. Anh rít một hơi dài dường
như để xua đi nỗi nhớ quê, nơi có
hai đứa con nhỏ ở đó./.