Được mệnh danh là "Phòng trưng bày nghệ thuật dài nhất thế giới", hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển khiến người xem choáng ngợp với không gian bên trong được bao phủ bởi các tác phẩm nghệ thuật cực kỳ độc đáo. 90 nhà ga trên tổng số 100  nhà ga tàu điện ngầm ở Stockholm đã trở thành phòng trưng bày nghệ thuật.

Trước đây nghệ thuật chỉ dành cho tầng lớp quý tộc Thụy Điển, không dành cho thường dân. Sau này, thế hệ trẻ mong muốn được phổ biến nghệ thuật đến với tất cả mọi người, giúp nó trở nên thông dụng hơn trong xã hội văn minh. Chính vì lẽ đó, từ năm 1950, hai họa sĩ Vera Nilsson và Siri Derkert đã lên kế hoạch biến không gian ga tàu điện ngầm thành bảo tàng nghệ thuật. Nhưng phải mất 7 năm nghiên cứu, họ mới có thể biến những ý tưởng thành hiện thực với sự tham gia giúp đỡ của hơn 150 họa sĩ khác.

Thay vì những bức tường xám màu, lạnh lẽo với hàng loạt tấm biển quảng cáo nhiều kích cỡ khác nhau trong ga tàu điện ngầm, các họa sĩ đã biến không gian đó theo một cách mới lạ, độc đáo và đầy chất nghệ thuật.

Khu nhà chúng tôi ở gần ga tàu điện ngầm Hornstull, đi tàu số 13 thêm năm ga nữa theo hướng trung tâm sẽ đến ga T-Centralen. Ga này là nơi tập trung nhiều tuyến đường, nhiều loại hình giao thông cho nên lưu lượng người ở đây rất đông, nhất là giờ đi làm, tan tầm. Nhà ga được khoét sâu với nhiều cấp độ, trong lòng núi đá, tạo nên các hang động nhân tạo. Do vậy những người thợ để nguyên chất thô ráp mà không cần làm vòm phẳng phiu như các ga khác. Điều này làm cho chúng tôi có cảm giác như đi du lịch trong hang đá chứ không phải đi trong không gian hộp cứng, ngột ngạt như các nhà ga thông thường.

Đây là ga tàu điện đầu tiên được 2 họa sĩ Vera Nilsson và Siri Derkert chọn để trau chuốt và khoác lên diện mạo mới vào những năm 1950. Bức tường được trang trí bằng hình vẽ kỹ sư, công nhân, thợ hàn, thợ mỏ - những người đã góp phần xây dựng công trình nhà ga được nhiều người chú ý. Nhìn các bức vẽ cộng với bước chân vội vàng của hành khách giờ đi làm, chúng tôi liên tưởng công việc khẩn trương, nặng nhọc của những người công nhân đang khoan, cắt núi đá thành các hang động nhân tạo, nơi có không gian rộng, nhiều chỗ sâu hun hút gần 100 mét.

Từ nhà ga T-Centralen đi chuyến  tàu số 10, chúng đến nhà ga Kungsträdgården. Nhà ga này mang đến cho chúng tôi cảm giác như đang tham dự buổi triển lãm nghệ thuật đặc sắc với những gam màu được phối hài hòa, bắt mắt. Tượng người đứng trong không gian đi về giữa hai đoàn tàu tạo cảm giác uy nghi. Điều làm tôi ấn tượng ở ga này là có mạch nước ngầm chảy tí tách, làm cho tôi có cảm giác đang ở trong hang động tự nhiên hơn là trong nhà ga, có sự giao thoa mềm mại, kết nối mạch nguồn giữa nhà ga với núi bên trên. Nơi đây, hai bên đường ra cổng tái hiện lại khung cảnh của khu vườn hoàng gia bên trong lâu đài Makalösa. Chúng tôi gặp một đoàn học sinh đi qua đây, chúng tranh nhau chọn chỗ nhìn tốt nhất khu "vườn hoàng gia". Các cô giáo nhắc mãi mới chịu đi.

Ga Rådhuset được các họa sĩ sử dụng tông mầu đất làm chủ đạo để mang vẻ đẹp cổ kính. Tại đây chúng tôi nhìn thấy chân cột đá đường kính khoảng 5m. Điều này làm cho ta có cảm giác như đang đi khám phá một cung điện hay ngôi đền trong một hang núi. Đi nước ngoài bỗng nhiên mà gặp được người Việt Nam thì vui lắm, hai bên tranh nhau hỏi quê ở đâu, sang đây từ bao giờ con cái thế nào? Thật  bất ngờ hơn nữa, trên một sân ga tàu điện ngầm lại bắt gặp một tấm biển ghi nội dung bằng chữ Việt Nam.

Đi tàu số 10 đến ga gần cuối là Tensta (theo hướng Hjulsta) chúng ta gặp một điều thú vị, có 20 bảng chữ, bằng ngôn ngữ của 20 dân tộc khác nhau, ghi những câu nói hay về gia đình, bạn bè, trái tim, tình ban...  Trong đó có bảng ghi chữ Việt Nam với nội dung: Đoàn kết. Nội dung này thật ý nghĩa với tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thụy Điện. Cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme là người tiêu biểu cho phong trào đoàn kết của nhân dân Thụy Điển nói riêng, nhân dân thế giới nói chung ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa, chống xâm lược và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Hàng nghìn lượt người qua đây mỗi ngày đều nhìn thấy tấm biển này.

Nước ta đang xây dựng đường tàu điện ngầm, hy vọng nhà ga của các đường tàu điện ngầm đó trong tương lai sẽ là những không gian nghệ thuật đặc sắc về  văn hóa các vùng miền của Việt Nam.

Hà Hồng

hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 1072 đã được: 0.0/10 (0 Đánh giá)


Bài viết liên quan Bài viết ngẫu nhiên
Được ôm Rùa phát hiện từ năm 1914
Nhà thờ Duomo - một công trình xây dựng trong hơn năm thế kỷ
Đi đường dài để được ngắm Tháp nghiêng Pisa trong 30 phút
Hồ Como với biệt thự Balbianello đẹp như tranh vẽ
Chuẩn bị cho "trận đánh lớn"
Hồ Gươm, 22-3-2024
Về thôi em về với mùa hoa đỏ
Họp tổng kết Chi hội Ảnh báo chí
Không gian Văn hóa Hồ Gươm (KGVHHG) nhận kỷ vật cách đây 45 năm.
Nồi bánh chưng trong ngõ ...
Điểm báo KH&CN trên k...
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm:...
Chuyện về hồ Gươm của nhà...
Mừng 125 năm Ngày sinh nh...
Cháu con đời đời bên Bác ...
Ca - nô đi trên hồ
Hơn mười năm có lệnh cấm,...
Hàng xôi Huyền, Hải
Sửa đền Ngọc Sơn, cầu Thê...
Tags:
Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share