Đến thành phố tươi đẹp Milanno miền Bắc nước Ý chúng tôi thật sự lúng túng bởi trong một thời gian ngắn làm sao có thể đi xem và tìm hiểu hết các công trình kiến trúc, bảo tàng dày đặc, tầm cỡ thế giới, chưa nói đến lĩnh vực ẩm thực, nhất là một trong năm "vương quốc" thời trang của thế giới.
Chúng tôi dùng phương án đi xem lướt qua một số nơi và tập trung xem và tìm hiểu Nhà thờ chính tòa Milanno- Duomo không chỉ là biểu tượng của Milanno, mà còn là một trong bốn công trình kiến trúc nhà thờ lớn nhất thế giới, được xây dựng trong hơn năm thế kỷ.
Sự xuất hiện của Duomo bắt đầu từ việc xây dựng trên nền móng của một nhà thờ cổ đại tại Lombardia vào năm 1386, và công trình này đã trải qua một hành trình kéo dài hơn năm thế kỷ để hoàn thiện. Trong suốt quá trình xây dựng Duomo đã chứng kiến nhiều thay đổi và cải tiến thiết kế, tạo nên tuyệt tác kiến trúc kết hợp giữa Gothic và Romanesque ngày nay. Duomo rộng đến 12.000 mét vuông, chiều dài 157 mét và chiều rộng 93 mét, bên ngoài lát đá cẩm thạch mầu hồng được lấy về từ vùng Candoglia. Tổng khối lượng của công trình lên đến 325 nghìn tấn, cùng với khả năng chứa đến 40.000 người.
Từ xa, bạn sẽ nhận thấy công trình giống như những cây thánh giá với các đường nét tinh xảo được chạm khắc trên bề mặt. Nổi bật hơn, toàn bộ công trình được xây dựng từ các tấm đá cẩm thạch lớn, tạo nên sự uy nghiêm và vẻ đẹp cổ điển đặc biệt.
Chúng tôi tiến đến sát các cánh cửa lớn của nhà thờ. Tận mắt nhìn thấy, mỗi ô cửa là một tác phẩm bằng đồng được chạm khắc cực kỳ tinh xảo. Khi bước vào bên trong Duomo, chúng tôi bị choáng ngợp bởi sự bề thế của công trình với mái vòm cao hàng chục mét được đỡ bởi 52 cột đá cao lừng lững đường kính khoảng 2m, 96 cánh cửa. Với không gian này chúng ta có cảm giác bị thu nhỏ lại. Chúng tôi còn bị choáng ngợp bởi sự tinh tế trong cách bài trí và các họa tiết được chạm khắc. Nội thất nơi đây ấn tượng mạnh với chúng tôi với hơn 3400 bức tượng và các bức tranh lớn, tái hiện những vị thánh và những câu chuyện linh thiêng từ Kinh Thánh.
Quả thật chỉ lên tận nơi tầng mái chúng tôi mới nhìn thấy, sờ thấy những chi tiết trên cột tháp. Chúng tôi tự hỏi sao những nơi cao như thế này, đứng ở dưới đất không nhìn thấy, mà họ lại làm cầu kỳ như vậy? Nhìn các bậc thang đá mòn vẹt bởi bàn chân con người chúng tôi hiểu đã có rất nhiều triệu lượt người lên đây để tận mắt chiêm ngưỡng các chi tiết kiến trúc trên mái. Điều làm chúng tôi thắc mắc, các tháp đá, tượng đá đặt cao như vậy sao không bị đổ hoặc ít bị đổ. Ở Việt Nam các nhà thờ không có nhiều tháp đá như vậy, bởi thường xuyên có gió bão. Chắc ở vùng này ít gió bão hơn ở nước ta. Đứng từ trên cao chúng tôi nhìn thấy toàn cảnh thành phố với nhiều cung điện, viện bảo tàng san sát nhau. Một "biển người" nhỏ như con kiến trên quảng trường trước cổng nhà thờ. Hẹn Milano một lần khác, khi quay lại chúng tôi sẽ dừng chân lâu hơn, tìm hiểu kỹ hơn thành phố năng động bậc nhất Châu Âu này.
Hà Hồng
Đánh giá bài viết