Càng gần đến cuối năm hoạt động vận chuyển hàng càng trở nên nhộn nhịp, người, xe tấp nập qua lại. Một thực trạng lập đi lập lại nhiều năm không được làm nghiêm, làm triệt để đó là xe thô sơ, tự chế chở hàng nghênh ngang trên đường phố, không bị bất cứ lực lượng chức năng nào ngăn cản, xử phạt.
Đi dọc phố Đê La Thành (thủ phủ) của xe thô sơ, chở hàng cồng kềnh, và nhiều tuyến phố khác trên địa bàn Hà Nội chúng ta luôn bắt gặp hàng chục chiếc xe thô sơ chở đồ gỗ, nội thất, sắt thép vật liệu xây dựng… với kích thước lớn, chất cao quá đầu người đi ngoằn nghoèo, phóng rầm rầm. Những vi phạm này không chỉ diễn ra một vài ngày mà nhiều ngày, nhiều năm. Công bằng mà nói lực lượng chức năng đã xử phạt rất nhiều trường hợp vi phạm, nhưng tình trạng vi phạm lại tái diễn ngay sau khi lực lượng chức năng rút đi.
Luật pháp đã có quy định xử phạt rất rõ về các lỗi vi phạm nêu trên. Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định: "Điều 19. Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường bộ. Xe mô - tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô - tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện); các loại xe tương tự xe mô - tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác. Ngoài ra, nếu bạn gây tai nạn giao thông vì chở hàng cồng kềnh thì còn bị tước bằng lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Thực trạng nói trên cho thấy có hai nguyên nhân: Người vi phạm "nhờn luật”, và các cơ quan chức năng liên ngành như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, chính quyền phường sở tại chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm. Cụ thể là chưa đưa ra được lộ trình đến bao giờ chấm dứt tình trạng xe thô sơ, tự chế chở hàng cồng kềnh và quan trọng hơn là tìm ra giải pháp để thực hiện được lộ trình đó. Giải pháp đó phải có sự tham gia của người dân, của chính quyền các cấp.
Đến bao giờ chúng ta thực hiện tốt khẩu hiệu: "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” lĩnh vực giao thông đường bộ?
HÀ HỒNG
Đánh giá bài viết